Năm 2021, làn sóng dịch COVID-19 thứ 4 đã tác động tiêu cực đến kinh tế – xã hội ở Việt Nam nói chung và chương trình phòng, chống HIV/AIDS nói riêng đặc biệt là các tỉnh, thành phố phía Nam. Nhiều tỉnh, thành phố đã thực hiện giãn các xã hội trong thời gian dài, một số cơ sở y tế bị phong tỏa, nhiều khách hàng sử dụng dịch vụ chương trình phòng, chống HIV/AIDS sống trong khu cách ly v.v… từ đó ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc tiếp cận viên tiếp cận trực tiếp với khách  hàng để cung cấp dịch vụ cũng như việc nhận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS của khách hàng. Việc giãn cách xã hội kéo dài cũng đã tạo nên các sang chấn về sức khỏe tâm thần của các nhóm khách hàng trong giai đoạn giãn cách xã hội bởi dịch COVID-19.

Làm thế nào để có thể nâng cao các kiến thức cho các tiếp cận viên và khách hàng liên quan đến phòng chống HIV/AIDS và COVID-19 bao gồm cả cung cấp dịch vụ cũng như giúp khách hàng đối phó với các sang chấn tâm lý trong bối cảnh dịch COVID. Dự án Tăng cường Kết nối cộng đồng phòng, chống HIV (C-Link) phía Nam do Trung tâm LIFE thực hiện dưới dự tài trợ của USAID hỗ trợ đã có sáng kiến triển khai chương trình nói chuyện chuyên đề online mang tên “Friday talk – Câu chuyện ngày thứ 6”.

Mục đích ban đầu của chương trình nhằm cung cấp các kiến thức liên quan đến phòng chống COVID; thúc đẩy các nhóm đích tiếp tục sử dụng các dịch vụ can thiệp dự phòng và chăm sóc HIV và chia sẻ kinh nghiệm, các giải pháp nhằm vượt qua các khó khăn, ảnh hưởng và tác động của dịch COVID-19 đến sử dụng các dịch vụ can thiệp dự phòng và chăm sóc HIV của nhóm đích. Do vậy chúng tôi đã tổ chức tọa đàm online thông qua phần mềm zoom vào một khung giờ nhất định từ 19h00 – 20h30 thứ 6 hàng tuần. Việc lựa chọn một khung giờ vào một ngày cố định cũng là để tạo nên “thương hiệu – Friday talk” của chương trình để mọi người dễ nhớ, bố trí thời gian tham dự cũng như quảng bá cho chương trình. Tối thứ 6 cũng là một ngày cuối mỗi tuần làm việc nên sẽ là cơ hội để mọi người thư giãn, chia sẻ các câu chuyện, tâm tư cá nhân sau một tuần làm việc. Ban tổ chức cũng như khách mới cập nhật, chia sẻ các văn bản, quy định mới của các cơ quan quản lý liên quan đến việc ứng phó HIV và dịch COVID-19.

Hình 1. Người tham dự tham gia một buổi “Friday talk”

Để khuyến khích các khách hàng tham dự, ngoài việc thông báo tới các CBO phổ biến cho khách hàng, Ban tổ chức còn quảng bá chương trình trên các kênh truyền thông của dự án như Zalo, Fanpage… và yêu cầu tối thiểu mỗi CBO cử từ 2-3 tiếp cận viên tham dự mỗi chương trình. Những người tham dự chương trình đầy đủ (tham gia chụp ảnh màn hình trước và sau buổi nói chuyện chuyên đề) cũng như tương tác sẽ được Ban tổ chức hỗ trợ một thẻ điện thoại trị giá 20.000 đồng (không trả bằng tiền mặt). Chương trình mỗi buổi nói chuyện ngoài cung cấp kiến thức về HIV và COVID 19 theo từng chủ đề khác nhau và nội dung này sẽ chiếm phần lớn thời lượng của chương trình. Ngoài ra Ban tổ chức sẽ dành một thời lượng ngắn phần đầu chương trình để giới thiệu mục đích buổi nói chuyện, hướng dẫn đăng nhập, giới thiệu nội quy và khởi động nhằm để làm “nóng” chương trình. Sau phần trình bày, trao đổi của các chuyên gia, các CBO sẽ chia sẻ về việc hỗ trợ của các CBO cho khách hàng trong mùa dịch COVID-19 cũng như giải đáp tất cả các thắc mắc của khách hàng. Việc mời chuyên gia để trao đổi thông tin sẽ phụ thuộc vào từng chủ đề của mỗi buổi nói chuyện, họ có thể là nhà quản lý, các bác sĩ thuộc các chuyên ngành khác nhau có liên quan đến nội dung từng chủ đề. Để cải thiện chất lượng các buổi nói chuyện, sau mỗi chương trình chúng tôi có thu thập thông tin phản hồi từ phía người tham dự để xác định nhưng ưu điểm để duy tri và những vấn đề cần cải thiện.

 

Hình 2. Các quy định mới liên quan đến HIV và COVID-19 cũng được chia sẻ trong chương trình

Sau 7 chương trình thực hiện về chủ đề “HIV và COVID-19”, Ban tổ chức đều thấy kết quả rất tích cực. Mỗi buổi nói chuyện có hàng trăm khách hàng tham gia trực tiếp qua zoom và có từ 500-700 khách hàng tiếp cận chương trình qua Fanpage … Khách hàng tham gia rất nhiệt tình, họ cởi mở trongtrao đổi, chia sẻ về các khó khăn, vướng mắc đang gặp phải. Nhiều thắc mắc, lo lắng của khách hàngliên quan đến HIV và COVID cũng đã được các chuyên gia tư vấn để có hướng giải quyết hoặc được giải tỏa.

Cũng qua tổ chức 7 chương trình, Ban tổ chức nhận thấy một vấn đề khác là nhiều khách hàng do bị giãn cách xã hội hoặc bị phong tỏa lâu ngày nên ảnh hưởng sang chấn tâm lý khá nặng nề. Từ đó chương trình “Friday talk” với chủ đề “Người ơi – Thở đi hay My Dear, Just Breathe” đã ra đời. Chủ đề chương trình này tập trung vào hỗ trợ về sức khỏe tâm thần cho khách hàng trong đại dịch COVID-19.

Với “Người ơi – Thở đi” Ban Tổ chức vẫn sử dụng khung giờ quen thuộc như chủ đề “HIV và COVID-19” và kênh online như zoom và facebook. Việc huy động khán giả tham gia trên zoom vẫn lấy đội ngũ nòng cốt là các tiếp cận viên của CBO và các khách hàng của họ. Do mục đích của chương trình giúp khán giả đối phó và vượt qua các vấn đề về sức khỏe tâm thần và sang chấn trong đại dịch COVID-19, nên nội dung chương trình tập trung vào các chủ đề như: Cách duy trì thái độ sống tích cực trong dịch COVID; Cách đối phó vượt qua sang chấn; Yoga và tầm quan trọng của hơi thở; Dinh dưỡng trong thời kỳ dịch COVID v.v…

Hình 3. Các ca sĩ, khách mời nổi tiếng cũng được mời giao lưu và biểu diễn tại “Người ơi – Thở đi”

Ngoài ra Ban Tổ chức cũng mời thêm các ca sĩ, khách mời như nhóm hát Loto đến biểu diễn và giao lưu với khán giả để giúp người tham dự chương trình thoải mái, phấn chấn hơn cũng như tăng sự hấp dẫn của chương trình. Chương trình cũng dành thời lượng để chia sẻ các bức thư từ khán giả gửi đến chương trình và mời các khách mời thích hợp để tham gia giải đáp câu hỏi nếu có. Cuối mỗi chương trình có phần quay số trúng thưởng cho những người có 3 số cuối điện thoại trùng với số trúng thướng và tặng các giải thưởng trị giá khoảng 200.000-300.000 bằng các phương thức khác nhau cho khoảng 5- 9 người may mắn đã tham dự chương trình. Sau 6 tuần tổ chức, kết quả tương tự như chương trình “HIV và COVID-19”; Chương trình “Người ơi – Thở đi”, thu hút được hàng trăm người tham dự trực tiếp qua zoom và hàng ngàn người tham dự qua fanpages qua mỗi chương trình Cá biệt có chương trình có hơn 5.000 người tham dự và hàng chục ngàn lượt tiếp cận.

Có thể nói Chương trình “Friday talk hay Câu chuyện ngày thứ 6” đã đáp ứng được một phần nhu cầu của người tham dự nhất là đối tượng đích trong bối cảnh dịch COVID-19. Thành công của chương trình có thể phải kể đến sự tâm huyết và năng động của Dự án khi cái khó của dịch COVID làm “ló cái khôn” đó là phải tìm ra cách tiếp cận phù hợp với các CBO và nhóm khách hàng đích trong bối cảnh phong tỏa hay giãn cách xã hội. Để chương trình thành công ngoài việc lập kế hoạch, thiết kế chương trình một cẩn thận thì luôn đòi hỏi các thành viên của Ban tổ chức phải có các ý tưởng sáng tạo và một tinh thần làm việc năng động cùng với sự phối hợp và một sự kết nối thường xuyên với những chuyên gia, ca sỹ hay “người nổi tiếng” để có thể duy trì được chương trình một cách lâu dài với chi phí vừa phải có thể chấp nhận được. Ngoài ra việc chuẩn bị chu đáo về đường truyền, cơ sơ vật chất cùng đội ngũ hỗ trợ kỹ thuật cũng sẽ là cần thiết để tạo sự thành công cho mỗi chương trình.

Dù dịch COVID-19 đã bước đầu được khống chế và Chính phủ đã có chủ trương thích ứng với dịch COVID-19 trong bối cảnh “bình thường mới”. Các hoạt động, sự kiện truyền thống nhự tiếp cận, tập huấn, hội họp, hội thảo, sự kiện v.v… lại tiếp tục được mở ra, tuy nhiên với sự phát triển của công nghệ thông tin và kỹ năng sử dụng các ứng dụng công nghệ thông tin trong cuộc sống của mỗi người dân nói chung và các khách hàng của chương trình phòng, chống HIV/AIDS nói riêng thì việc tổ chức các sự kiện tương tự như “Friday Talk” vẫn sẽ là xu hướng giúp khách hàng tiếp cận với thông tin, dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS một cách thuận lợi, dễ dàng với chi phí hợp lý.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *