Mục tiêu 90-90-90 vào năm 2020 mà Liên hợp quốc phát động năm 2014 (90% người nhiễm HIV biết tình trạng HIV của mình; 90% người chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc kháng vi rút (ARV); và 90% người điều trị bằng ARV có tải lượng vi rút dưới ngưỡng ức chế) đã được Việt Nam – một trong những quốc gia đầu tiên hưởng ứng. Mục tiêu này nếu đạt được sẽ giúp từng quốc gia cũng như thế giới tiến tới kết thúc dịch AIDS vào năm 2030.

Trong các mục tiêu này, có thể nói mục tiêu 90 đầu tiên là vô cũng quan trọng bởi vì nó như là đầu vào cho việc thực hiện và hoàn thành các mục tiêu sau. Như vậy việc đẩy mạnh tư vấn xét nghiệm HIV hay tìm các trường hợp nhiễm mới HIV đóng một vai trò quyết định trong việc chuyển tiếp họ vào điều trị và hỗ trợ tuân thủ điều trị, từ đó sẽ tiến tới kết thúc dịch AIDS ở Việt Nam.

Hiểu được tầm quan trọng đó, trong nhiều năm qua các tổ chức quốc tế cũng như các đơn vị triển khai dự án phòng, chống HIV/AIDS bao gồm các tổ chức cộng đồng đã áp dụng và thay đổi nhiều chiến lược khác nhau với mục đích tiếp cận đúng đối tượng có hành vi nguy cơ cao, tư vấn xét nghiệm HIV và tìm ra những trường hợp HIV dương tính để chuyển vào điều trị bằng thuốc ARV.

Tuy nhiên, hầu hết các tổ chức khi đặt mục tiêu tìm ca nhiễm mới HIV đều đưa ra chỉ tiêu số ca nhiễm mới HIV mà các tổ chức cần phải tìm, giao cho các tổ chức địa bàn tiếp cận theo quy định và cả đối tượng đích dự kiến tiếp cận. Từ đó các tổ chức xã hội thực hiện theo kế hoạch đã đề ra và được chi trả theo kết quả thực tế hay theo hiệu suất mà các tổ chức đã thực hiện được. Với phương pháp đó dù đã có nhiều ưu điểm nhưng nhược điểm lớn nhất là không kích thích được sự sáng tạo của các tổ chức cộng đồng, cũng không tạo sự cạnh tranh trong việc triển khai tìm ca nhiễm mới HIV trong cộng đồng.

 

“Đồng hồ đếm ngược” là hình ảnh khá quen thuộc trong những năm gần đây thường được sử dụng trong những sự kiện như năm mới và cũng thường hay được sử dụng trong những cuộc thi.

Đồng hồ đếm ngược luôn nhắc nhở, cập nhật cho những người trong cuộc chơi về thời gian còn lại hay nhiệm vụ đã đạt được, nhiệm vụ cần hoàn thành cũng như đích đến. Từ đó nó kích thích sự năng động, sáng tạo cho người chơi và tạo ra sự cạnh tranh công bằng cho tất cả người chơi để tiến về đích một cách nhanh chóng nhất.

Lấy cảm hứng từ “Đồng hồ đếm ngược”, Trung Tâm Nâng cao Chất lượng Cuộc sống (LIFE) đã có sáng kiến áp dụng Chiến lược “Đồng hồ đếm ngược” trong việc tìm ca nhiễm mới HIV trong Dự án Kết nối cộng đồng các tỉnh phía Nam (C-link) do USAID tài trợ tại thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía nam. Với nguyên tắc mới áp dụng cho tất cả các tổ chức cộng đồng (CBO) đó là việc chi trả cho việc tìm kiếm ca nhiễm mới HIV theo nguyên tắc chi trả theo hiệu suất nhưng:

  • Không giới hạn số lượng ca đăng ký: Tức không giao chỉ tiêu hay giới hạn chỉ tiêu số ca nhiễm HIV mới tìm cho các tổ chức cộng đồng.
  • Không giới hạn đối tượng đích (như trước đây) cho từng tổ chức.
  • Không giới hạn chỉ tiêu cho từng tiếp cận viên.
  • Không giới hạn địa bàn tiếp cận với một tổ chức
Tư vấn xét nghiệm tại cộng đồng do nhân viên cộng đồng thực hiện

Trung tâm LIFE cũng sẽ cập nhật kết quả và các nhóm cộng đồng có thể theo dõi chỉ số thực hiện hàng tuần, từ đó cho phép các CBO biết đã đạt được bao nhiêu và mục tiêu còn lại để cùng nhau tăng tốc.

Với sáng kiến này, các tiếp cận viên cũng như các tổ chức cộng đồng đã liên tục thay đổi trong cách tiếp cận – cung cấp dịch vụ dự phòng lây nhiễm HIV từ tiếp cận cá nhân sang mô hình thủ lĩnh cộng đồng, từ mô hình tổ chức xã hội dựa vào cộng đồng (CBO) sang hệ thống liên minh các tổ chức cộng đồng v.v… nhằm đáp ứng với sự thay đổi trong bối cảnh xã hội và nhu cầu của khách hàng. Các tiếp cận viên cũng như các tổ chức cộng đồng được trao quyền và kích thích sáng tạo, sự cạnh tranh, năng động và tiết kiệm chi phí.

Nhờ sáng kiến mới này, Trung tâm LIFE đã hỗ trợ các CBO phát hiện nhiều trường hợp dương tính với HIV hơn chỉ trong thời gian ngắn. Chẳng hạn, chỉ trong 9 tháng đầu năm 2017, các tổ chức cộng đồng thuộc Trung tâm LIFE đã phát hiện ra 2,547 ca dương tính với HIV hay chỉ trong quý đầu tiên của năm tài chính 2019 (01/10/2018-31/12/2018), các nhóm dự án của Trung tâm LIFE đã tìm được 734 ca nhiễm HIV mới ở Thành phố Hồ Chí Minh, rút ngắn một nửa thời gian so với các ca tương tự được tìm thấy trong năm tài chính 2018 thậm chí có thời điểm kết quả đạt được cao gấp ba lần so với trước đây với khung thời gian tương tự.

Anh Sơn Lê, trưởng nhóm cộng đồng G3VN cho biết: “Với cơ chế mới này, chúng tôi không bị giới hạn bởi mục tiêu tìm kiếm các ca dương tính với HIV mà được khuyến khích tìm ra càng nhiều ca càng tốt”.

Làm việc tập thể, kích thích sáng tạọ không giới hạn

Một tiếp cận viên khác của tổ chức cộng đồng Aloboy cũng chia sẻ: “Đồng hồ đếm ngược cho phép chúng tôi áp dụng phương pháp tiếp cận cộng đồng, sáng tạo và linh hoạt, cũng như tận dụng nguồn lực một cách thích hợp.”.

Sau nhiều năm áp dụng và triển khai, có thể nói “Đồng hồ đếm ngược” đã được chứng minh là một cơ chế dựa trên hiệu suất sáng tạo và hiệu quả về chi phí trong việc tìm ca nhiễm mới HIV. Chúng tôi cho rằng, sáng kiến “Đồng hồ đếm ngược” còn có thể áp dụng được cho các mục tiêu khác của chương trình phòng, chống HIV như chuyển tiếp điều trị ARV hay giới thiệu và chuyển tiếp điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) hoặc bất cứ can thiệp cộng đồng nào có sự chi trả theo hiệu suất. Điều quan trọng hơn của thành công này đó là các tổ chức cộng đồng thông qua cơ chế “Đồng hồ đếm ngược” được trao quyền nhiều hơn, chủ động sáng tạo và linh hoạt hơn với cùng nguồn lực mà tổ chức đó hiện có.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *