Sáng ngày 20/12/2023, Trung tâm Nâng cao Chất lượng Cuộc sống (LIFE) phối hợp cùng Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo Tổng kết Dự án VUSTA – Dự án Quỹ Toàn Cầu Phòng Chống HIV/AIDS – Giai đoạn 2021-2023 và Nhìn lại chặng đường 12 năm (2011-2023) tham gia dự án của các tổ chức cộng đồng tại Tp.HCM.
Đến tham dự hội thảo, có sự hiện diện của TS. BS. Nguyễn Thị Minh Tâm – Trưởng Phòng Dự phòng lây nhiễm HIV – Cục Phòng, Chống HIV/AIDS, ThS. Dương Thu Hằng – điều phối viên Dự án Quỹ Toàn Cầu phòng chống HIV/AIDS, ThS. Lê Hùng Việt – Phó Giám đốc Thường trực Dự án VUSTA – Dự án Quỹ Toàn Cầu phòng, chống HIV/AIDS, đại diện ban lãnh đạo, các phòng, ban của Sở Y tế Tp.HCM, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật và Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật các tỉnh/thành tham gia dự án, Hội Y tế Công cộng và Hội Phòng, chống HIV/AIDS Tp.HCM , Công an Tp.HCM, các Trung tâm Y tế trên địa bàn Tp.HCM. Đặc biệt là sự có mặt của đại diện 29 tổ chức cộng đồng đến từ Tp.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Khánh Hòa và Cần Thơ.
BS. Nguyễn Thị Minh Tâm chia sẻ: “Công tác hoạt động phòng, chống HIV/AIDS có một sự quan hệ gắn kết chắc chẽ giữa người cung cấp dịch vụ, khách hàng của mình và tổ chức cộng đồng mà những chương trình bệnh lý khác có thể học hỏi như một bài học thành công với mục tiêu cung cấp dịch vụ lấy khách hàng làm trung tâm. Chương trình phòng, chống HIV/AIDS vừa mang ý nghĩa y tế vừa mang ý nghĩa xã hội rất lớn, những đóng góp của các tổ chức cộng đồng không chỉ về mặt cung cấp dịch vụ, đóng góp cho ngành y tế về cải thiện chất lượng dịch vụ mà còn là những đóng góp về mặt xây dựng chính sách, chiến lựơc, luật pháp và các hướng dẫn chuyên môn kỹ thuật mà Cục phòng, chống HIV/AIDS đề ra.”
Tại hội thảo, các tổ chức cộng đồng cũng đã chia sẻ những câu chuyện thành công, bài học kinh nghiệm quý báu của mình xuyên suốt một chặng đường dài bền bỉ gầy dựng hệ thống cộng đồng để thúc đẩy sự tham gia có hiệu quả của cộng đồng vào chương trình phòng chống HIV/AIDS góp phần thực hiện mục tiêu quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030.
Đồng thời, Hội thảo cũng là cơ hội để Trung tâm LIFE gửi lời tri ân tới nhà tài trợ, các đơn vị đối tác, ban ngành đã phối kết hợp, các tổ chức cộng đồng đã đồng hành cùng LIFE trong suốt chặng hành trình dài vừa qua nói chung và đặc biệt là lời tri ân sâu sắc, ghi nhận những cống hiến, nỗ lực, phát triển tới các CBO TP.Hồ Chí Minh không chỉ riêng 3 năm vừa trong trong giai đoạn 2021-2023 mà còn là chặng hành trình dài cùng LIFE 12 năm qua.
Giai đoạn 2021-2023 của Dự án VUSTA – Dự án Quỹ Toàn Cầu Phòng Chống HIV/AIDS đã khép lại nhưng Trung tâm LIFE và các tổ chức cộng đồng cam kết sẽ tiếp tục đồng hành cùng chương trình phòng, chống HIV/AIDS. Đội ngũ LIFE và các tổ chức cộng đồng sẽ sử dụng và chia sẻ kiến thức, kỹ năng và phát huy những sáng kiến, kinh nghiệm tích lũy từ dự án để tiếp tục tư vấn dự phòng lây nhiễm HIV cho các nhóm có nguy cơ cao và và hỗ trợ tuân thủ điều trị cho những người đang điều trị ARV.
Thông tin về dự án:
Quỹ Toàn Cầu Phòng chống HIV/AIDS bắt đầu hỗ trợ xây dựng năng lực và nâng cao vai trò, vị thế của các tổ chức xã hội và tổ chức cộng đồng trong ứng phó với HIV/AIDS tại Việt Nam kể từ năm 2011. Dự án VUSTA-Dự án Quỹ Toàn Cầu Phòng chống HIV/AIDS do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) là cơ quan nhận tài trợ chính, điều phối và quản lý dự án. Ba tổ chức nhận tài trợ phụ bao gồm Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS), Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phát triển Cộng đồng (SCDI) và Trung tâm Nâng cao Chất lượng Cuộc sống (Trung tâm LIFE) điều phối hoạt động ở 15 tỉnh/thành bao gồm 10 tỉnh phía Bắc trong đó có Hà nội và 5 tỉnh phía nam bao gồm Thành phố Hồ Chí Minh.
Trung tâm LIFE điều phối hợp phần dự án tại khu vực phía Nam bao gồm Thành Phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu và Khánh Hòa. Trung tâm LIFE hỗ trợ và quản lý 29 tổ chức cộng đồng triển khai các hoạt động tiếp cận cộng đồng, dự phòng lây nhiễm HIV, điều trị ARV và điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV (PrEP). Bên cạnh đó, Dự án còn hỗ trợ các nhóm có nguy cơ cao và người nhiễm HIV gặp khó khăn sau đại dịch COVID tại Tp. Cần Thơ.