Là cán bộ dự án, tôi luôn luôn phải đi công tác xa nhà. Hầu hết những dự án của chúng tôi đều được thực hiện ở vùng xa xôi, hẻo lánh nơi người dân phải sống một cuộc sống nghèo nàn, thiếu thốn nhiều về tiện nghi vật chất cũng như tinh thần. Khi nghe tôi kể vè công việc của mình, đám bạn bè thường phán cho một câu: “Tao chẳng bao giờ thèm cái công việc cực khổ đó cho dù lương có cao mấy đi nữa.” Tuy nhiên có đứa lại ganh tỵ với tôi: “Làm như mày sướng quá há, giống như đi du lịch vậy mà lại không tốn tiền.” Thật sự tôi chẳng cần quan tâm bọn nó nghĩ gì về công việc của mình. Tôi chỉ biết rằng tôi rất yêu công việc hiện tại và thấy thật là thú vị khi được sống và làm việc chung với bà con nghèo vùng nông thôn.

Nguyễn Nguyên Như Trang (thứ 2 từ trái sang) khi còn công tác tại văn phòng CARE ở TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: Tư liệu CARE tại Việt Nam

Dạo ấy, chúng tôi đi đánh giá Dự án về Lâm nghiệp ở Hà Bắc, một tỉnh vùng núi phía Bắc, cách Hà Nội khoảng 60 km. Để đảm báo tính khách quan cho việc đánh giá, chúng tôi có mời một số cán bộ của các tổ chức khác cùng tham gia. Trước khi “hành quân”, tất cả chúng tôi được tập huấn hai ngày về phương pháp để thu thập thông tin rất hấp dẫn và hiệu quả với tên gọi thật dài “Đánh giá nhanh có sự tham gia của người dân”. Tôi xin được dùng từ gọi tắt bằng tiếng Anh của phương pháp này – PRA. Theo kế hoạch, chúng tôi “đổ bộ” xuống địa điểm hẹn trước và được đưa đến nhà một người dân trong làng, nơi chúng tôi sẽ ở và làm việc trong hai ngày rưỡi. Chúng tôi cảm thấy rất tự tin vì công tác chuẩn bị cho chuyến PRA này rất chu đáo. Sau khi ổn định “nơi ăn chốn ở”, chúng tôi bắt tay vào việc ngay.

Một ngày làm PRA thường bắt đầu bằng việc triển khai công tác cho từng thành viên trong đoàn vào đầu buổi sáng. Sau đó chúng tôi tách ra, ai nấy lo phần việc của mình. Mỗi chúng tôi đều có một bạn đồng hành mà chúng tôi gọi là “Thông tin viên”, nhân vật này đóng một vai trò rất quan trọng – Họ vừa là người dẫn đường, vừa là người phiên dịch cho chúng tôi (khi chúng tôi làm việc với đồng bạo dân tộc ít người). Chúng tôi cố gắng trở về nhà trước khi trời tối để sao lại những thông tin thu thập được trong ngày trên giấy trắng khổ lớn – những thông tin này được trình bay trong buổi họp dân tối hôm đó nhằm lắng nghe ý kiến phản hồi từ người dân. Những buổi họp dân có khi kéo dài đến hơn mười giờ đêm. Tất cả chúng tôi thường mệt đừ sau một ngày làm việc như thế, tuy nhiên cái mệt đó không kéo dài được lâu. Xung quanh chúng tôi, núi rừng về đêm có vẻ hùng vĩ và đồ sộ hơn, những đợt gió thôi mát dịu đến tận phổi và đâu đó, tiếng suối chảy róc rách. Không một ai trong chúng tôi có thể làm ngơ trước cảnh vật như vậy. Ai đó nảy ra ý kiến đem thức ăn và đồ uống ra bờ suối để “chén”. Thế là cả bọn – tay khệ nệ nào nước, nào kẹo, dưa hấu, cả dao nữa – rón rén ra khỏi nhà như những tên ăn trộm vì sợ đánh thức cả nhà chủ dậy. Chúng tôi ngồi trên phiến đá to nhất, thả chân xuống nước, vừa nhau kẹo vừa trò chuyện. Thường thường, câu chuyện lúc đầu xoay quanh công việc chúng tôi vừa làm trong ngày. Chúng tôi chia sẻ những kinh nghiệm, những mẩu chuyện vui khi tiếp xúc với người dân. Sau đó không khí trở nên thân mạt hơn, chúng tôi kể cho nhau nghe đủ thứ chuyện trên đời. Có những câu chuyện mà chỉ trong hoành cảnh như thế mới được gợi lên mà thôi. Những đêm sáng trăng, chúng tôi trải chiếu ngoài sân, thường dùng để phơi lúa, nằm ngắm trăng, đếm sao, đọc thơ và hát cho nhau nghe. Những thứ giải trí “xa xỉ” này chúng tôi không bao giờ có được nếu ở thành phố. Những câu chuyện cứ râm ran tới mãi tận khuya vẫn chưa hết. Chẳng ai muốn vào nhà ngủ nếu nhóm trưởng không nhắc nhở rằng còn rất nhiều việc đang chờ chúng tôi vào sáng hôm sau.

Nguyễn Nguyên Như Trang (thứ 2 từ trái sang) khi còn công tác tại văn phòng CARE ở TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: Tư liệu CARE tại Việt Nam

Cứ như thế chúng tôi có những ngày làm việc thật sự hiệu quả và giá trị ở làng. Đối với tôi, những chuyến PRA như thế này thật là bổ ích và thú vị. Phương pháp PRA giúp chúng tôi thu lượm được những thông tin có độ chính xác và tin cậy rất cao. Những nơi chúng tôi đi qua đề có những nét đặc thù riêng và tất cả đã để lại trong chúng tôi những kỷ niệm không thể nào quên được. Riêng tôi, sau mỗi chuyến PRA tôi lại có thêm những người bạn mới thật tốt. Tôi thật sự tin rằng nếu không có “hoàn cảnh PRA” – làm việc và sinh hoạt trong điều kiện thiếu thốn – chúng tôi khó mà thật sự hiểu được nhau để sau đó có thể cùng làm việc hiệu quả hơn, “ăn ý” hơn như bây giờ.

Bây giờ bạn có thể hiểu được tại sao tôi lại yêu công việc của mình như thế!

Chú thích: Chị Nguyễn Nguyên Như Trang đã từng làm việc cho CARE Quốc tế tại Việt Nam trong thời gian những năm 1990.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *