Tổ chức xã hội và các Tổ chức dựa vào cộng đồng – Sau đây gọi chung là tổ chức cộng đồng (CBO) – là tập hợp các thành viên tự nguyện, không vì mục đích lợi nhuận, xuất phát từ một cộng đồng đặc thù, hoạt động vì lợi ích của các thành viên cộng đồng đó, do cộng đồng đó làm chủ và quản lý. Các CBO có điểm mạnh là do xuất phát từ chính nhóm khách hàng đích nên hiểu tâm lý hoàn cảnh và nhu cầu của khách hàng và được khách hàng tin tưởng. Phần lớn các thành viên CBO tham gia đều có tâm nguyện tự nguyện vì lợi ích cộng đồng. Tuy nhiên các CBO cũng có nhiều điểm hạn chế như: Thường không có tư cách pháp nhân; Nhân sự thường xuyên thay đổi; Kỹ năng truyền thông vận động chính còn yếu; Kỹ năng phân tích dữ liệu chưa tốt v.v… chính vì vậy để duy trì sự tham gia bền vững của các CBO trong công tác phòng, chống HIV/AIDS nhất là trong bối cách các nguồn viện trợ quốc tế cắt giảm là thách thức rất lớn.
Để các CBO phát triển và có thể cung cấp dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS một cách bền vững hướng đến giảm phụ thuộc vào các dự án viện trợ, việc nâng cao năng lực cho các CBO luôn được các chương trình, dự án rất quan tâm. Tuy nhiên hầu hết các hoạt động nâng cao năng lực cho CBO của các dự án trong thời gian qua chỉ tập trung vào việc nâng cao kiến thức và kỹ năng cho các nhân viên của CBO trong cung cấp dịch vụ. Điều đó là cần thiết nhưng không đủ để các CBO tồn tại và phát triển bền vững khi các dự án tài trợ giảm dần hoặc kết thúc.
Nhận thức được điều đó, Dự án Tăng cường Kết nối cộng đồng phòng, chống HIV (C-Link) phía Nam do Trung tâm LIFE thực hiện dưới dự tài trợ của USAID hỗ trợ, thời gian qua đã xây dựng một Chiến lược nâng cao năng lực cho các tổ chức cộng đồng hướng tới sự phát triển bền vững. Qua quá trình thực hiện, Dự án đã thu được những thành công ban đầu.
Trong Chiến lược này, trước khi tiến hành nâng cao năng lực cho các CBO, Trung tâm LIFE đã tiến hành đánh giá về thực trạng, khả năng đóng góp, nhu cầu, định hướng pháp triển và mong muốn của các CBO v.v… Từ đó phân loại thành ba nhóm CBO, như sau:
– Nhóm CBO đang phát triển: Là các CBO hoạt động khá ổn định. Số thành viên nòng cốt của nhóm ít, thường từ dưới 4 người và họ có thế mạnh can thiệp ở một vài nhóm đích chuyên biệt. Nhóm này chưa có hoặc không có mong muốn có tư cách pháp nhân. Nhóm này chủ yếu thực hiện các dự án can thiệp dự phòng HIV (tiếp cận, truyền thông thay đổi hành vi của khách hàng; phát hiện ca nhiễm HIV mới và kết nối điều trị; thực hiện các can thiệp dự phòng HIV khác như PrEP, STIs, Methadone, can thiệp nghiện chất v.v… Nhóm này có nhu cầu cập nhật những kiến thức mới, kỹ năng để cung cấp dịch vụ HIV một cách hiệu quả cũng như cần có nguồn kinh phí duy trì hoạt động của nhóm. Với nhóm này, cần hỗ trợ để nhóm có thể tăng cường hợp tác, kết nối với đối tác; hỗ trợ cơ chế, kỹ năng hợp tác và chia sẻ lợi ích với các đối tác; củng cố thể chế và hỗ trợ pháp lý để nhóm thuận lợi khi thực hiện các hoạt động tại cộng đồng; nâng cao năng lực phát triển tổ chức, tập trung vào phân công, giao việc và quản lý công việc; truyền lửa và kích cầu để CBO nhận diện thêm các cơ hội phát triển bền vững khác.
– Nhóm CBO có nhu cầu và tiềm năng phát triển: Đây là các các CBO ổn định và đang phát triển, có nhiều hoạt động chủ động, sáng tạo, có uy tín và có thể dẫn dắt các CBO khác (Leading CBO). Nhóm này cũng bao gồm cả các CBO đã có tư cách pháp nhân nhưng chưa có chiến lược phát triển rõ ràng và lâu dài: Nhóm này thường có số thành viên chủ chốt trên 4 người, chịu được các áp lực đổi mới nhanh cũng như có khả năng thực hiện các qui định hoặc sự giám sát chặt chẽ của chương trình; các CBO này ngoài cung cấp các dịch vụ HIV tại cộng đồng thông qua các dự án của Trung tâm LIFE thì CBO cũng đã tự chủ động huy động thêm nguồn lực từ các dự án khác để duy trì bền vững các hoạt động can thiệp HIV như nhận hợp đồng xã hội, viết đề xuất dự án v.v… Nhóm này cần được cập nhật những kiến thức mới để cung cấp dịch vụ HIV hiệu quả,; phát triển truyền thông kỹ thuật số hiệu quả; xây dựng mô hình kinh doanh phát triển bền vững; xây dựng chiến lược phát triển dài hơi với đội ngũ nhân sự vững vàng; tư vấn hỗ trợ tiến trình và thủ tục để có tư cách pháp nhân v.v..
– Nhóm CBO phát triển là doanh nghiệp xã hội đã có mô hình riêng: Đây là các CBO mạnh, uy tín, đã có tư cách pháp nhân và mô hình phát triển riêng (đa số có phòng khám cộng đồng); Các CBO này cũng có đội ngũ nòng cốt ổn định, năng lực tốt, cam kết và trách nhiệm cao với chương trình phòng, chống HIV/AIDS; Ngoài cung cấp các dịch vụ HIV tại cộng đồng thông qua các dự án của Trung tâm LIFE, CBO đã tự huy động thêm ít nhất 2-3 nguồn lực từ các dự án khác và có thu nhập từ các mô hình sinh kế; có định hướng phát triển rõ ràng và lâu dài. Với nhóm này cần được cập nhật những kiến thức mới để cung cấp dịch vụ HIV hiệu quả; phát triển truyền thông quảng bá kỹ thuật số hiệu quả và phát triển bộ nhận dạng thương hiệu; kiến thức và kỹ năng quản trị doanh nghiệp; định hướng và lập kế hoạch kinh doanh hiệu quả và bền vững đóng góp cho chương trình phòng, chống HIV/AIDS.
Việc đánh giá CBO được tiến hành định kỳ (thường là hàng năm). Trung tâm LIFE đã phát triển và sử dụng bộ công cụ đánh giá rất chi tiết ở các lĩnh vực khác nhau liên quan đến năng lực của CBO như : Năng lực cung cấp dịch vụ kỹ thuật; Quản trị tài chính; Quản trị doanh nghiệp; Theo dõi giám sát; Vận động chính sách; huy động nguồn lực…. từ đó Trung tâm LIFE xây dựng kế hoạch nâng cao năng lực cho các CBO và tổ chức các khóa tập huấn nâng cao năng lực cho các CBO về các lĩnh vực khác nhau. Giảng viên các khóa tập huấn thường là các chuyên gia của các lĩnh vực có liên quan, ngoài ra Trung tâm cũng mời các thành viên nòng cốt từ CBO đã phát triển tham gia chia sẻ kinh nghiệm hoạt động và phát triển của tổ chức mình.
Với chiến lược và nỗ lực của không chỉ Trung tâm LIFE mà cả các CBO, chỉ trong giai đoạn 2015-2020, Dự án Tăng cường Kết nối cộng đồng phòng, chống HIV (C-Link) phía Nam, riêng tại thành phố Hồ Chí Minh Trung tâm LIFE đã hỗ trợ cho 17 tổ chức tự lực trở thành các CBO đang phát triển; 6 Tổ chức CBO đã trở thành các CBO có khả năng dẫn dắt các CBO khác; 10 doanh nghiệp xã hội đã được thành lập và hoạt động bền vững. Dù Dự án kết thúc, Trung tâm LIFE vẫn sẽ tiếp tục vận động nguồn lực để thực hiện Chiến lược này trong thời gian tới.

Phát biểu tại một Hội thảo nâng cao năng lực các CBO do Trung tâm LIFE tổ chức, Anh Thuận – Trưởng nhóm Aloboy chia sẻ về sự cần thiết để hỗ trợ nhau cùng phát triển “Muốn bay nhanh thì bay một mình – Còn muốn bay xa đến đich thì hãy bay cùng nhau”.
Anh An – Thành viên Liên minh của Glink cũng chưa sẻ về việc có cơ hội để các CBO đã phát triển hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm với các CBO khác “Điều quan trọng là chúng tôi không ngần ngại chia sẻ các bài học kinh nghiệm tại G-link Việt Nam với các tổ chức xã hội khác và các đối tác”.
Hoặc Anh Thơ – Thành viên của Liên minh Vượt sóng cũng chia sẻ: “Sự hỗ trợ kỹ thuật và ủng hộ về mặt tinh thần từ phía các nhà tài trợ USAID, cụ thể thông qua các giai đoạn của dự án C-LINK do trung tâm LIFE triển khai đã giúp đỡ nhóm vượt sóng chuyển đổi thành công thành một doanh nghiệp xã hội (Liên minh hướng đến tương lai)…. đây chỉ là bước khởi đầu cho quá trình phát triển lâu dài và bền vững với các tỗ chức xã hội”.
Có thể nói, thành công trên, trước hết nhờ Trung tâm có định hướng chiến lược nâng cao năng lực cho các tổ chức xã hội một cách đúng đắn và dài hơi. Trong Chiến lược cũng có mục tiêu rất rõ ràng là hướng đến các tổ chức xã hội phải có năng lực toàn diện để phát triển bền vững. Khi đó các tổ chức xã hội có đủ khả năng tham gia các hợp đồng xã hội trong chương trình phòng, chống HIV/AIDS trong tương lai cũng như có thể mở rộng tham gia các lĩnh vực khác. Ngoài mục tiêu đúng, việc đánh giá năng lực, đánh giá nhu cầu, phân tích năng lực của các CBO từ đó xây dựng các khóa tập huấn khác nhau phù hợp với nhu cầu của các CBO là hết sức quan trọng. Việc mời các CBO đã phát triển chia sẻ kinh nghiệm không chỉ giúp các CBO nâng cao kiến thức mà còn tạo luồng sinh khí mới và động lực để các CBO phát triển.