Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn còn đang khá căng thẳng cùng với xu hướng phát triển của công nghệ, việc sử dụng Internet đang ngày càng chiếm vị thế quan trọng trong cuộc sống. Theo báo cáo của WeAreSocial và Hootsuite đã công bố báo cáo toàn cảnh ngành Digital, tính đến tháng 01/2021 có khoảng 68,17 triệu người Việt Nam đang sử dụng Internet (chiếm 70.3% dân số) thông qua các nền tảng, ứng dụng khác nhau, với thời lượng trung bình là sử dụng internet lên đến 6 giờ 47 phút. Đây được xem là khoảng thời gian tương đối lớn được sử dụng trong 1 ngày. Cũng theo số liệu thống kê từ Statista, Việt Nam có hơn 61,37 triệu người dùng điện thoại thông minh (smartphone), tương đương 64% dân số đang sở hữu smartphone nằm trong top 10 quốc gia có lượng người dùng smartphone lớn nhất thế giới.

Nắm bắt xu hướng đó, trong thời gian gần đây nhiều tổ chức đang triển khai chương trình phòng, chống HIV/AIDS đã sử dụng các ứng dụng công nghệ trực tuyến vào truyền thông, tư vấn và thậm chí cung cấp dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19 như cung cấp test kit HIV qua các trang web. Trung tâm LIFE với sự hỗ trợ của Dự án Tăng cường Kết nối cộng đồng phòng, chống HIV (C-Link) phía Nam do USAID hỗ trợ thời gian qua cũng đã sử dụng nhiều ứng dụng trực tuyến để áp dụng trong truyền thông và tập huấn về phòng, chống HIV/AIDS. Chúng tôi muốn chia sẻ 2 ứng dụng mà các CBO của Dự án Tăng cường Kết nối cộng đồng phòng, chống HIV (C-Link) phía Nam triển khai do Trung tâm LIFE hỗ trợ mà chúng tôi cho rằng nó đã thành công và có thể ứng dụng rộng rãi hơn để đem lại các cách tiếp cận mới cho khách hàng cũng như người tham gia tập huấn.

ALOVOICE – TRUYỀN THÔNG NÂNG CAO NHẬN THỨC QUA RADIO

Tổ chức dựa vào cộng đồng (CBO) ALOBOY là một trong các CBO tham gia Dự án Tăng cường Kết nối cộng đồng phòng chống HIV phía Nam dưới hỗ trợ của USAID, PEPFAR và Trung tâm LIFE. Trong quá trình triển khai dự án năm 2019, CBO ALOBOY nhận thấy mạng lưới tiếp cận viên còn mỏng nên việc tiếp cận trực tiếp với nhóm khách hàng đích còn rất hạn chế, trong khi việc tiếp cận khách hàng qua các kênh truyền thống như mối quan hệ cá nhân, Fanpage Facebook và Blued (ứng dụng hẹn hò dành cho khách hàng nam quan hệ tình dục đồng giới) ngày càng trở nên khó khăn. Trong khi đó khách hàng ngày càng trẻ hóa thiếu kiến thức về dự phòng và điều trị HIV/AIDS; kiến thức về an toàn tình dục; tình trạng lạm dụng chất nghiện ngày càng phổ biến hơn cũng góp phần vào làm gia tăng lây nhiễm HIV. Ngoài ra, khách hàng bị kỳ thị, ngại tiếp cận trực tiếp nên cũng tự cô lập bản thân, sợ hãi và e ngại sử dụng dịch vụ của CBO cũng như tiết lộ thông tin bạn tình.

Với mong muốn nhiều khách hàng được tiếp cận thông tin về phòng, chống HIV/AIDS nhiều hơn, phong phú hơn, hình thức cần hấp dẫn và vẫn đảm bảo tính tương tác với khách hàng lại đảm bảo tính bảo mật thông tin cá nhân, chiến dịch ALOVOICE – hình thức chia sẻ tâm sự nhằm cung cấp kiến thức dự phòng HIV, bệnh lây qua đường tình dục, hỗ trợ tâm lý, giảm thiểu kỳ thị phân biệt đối xử liên quan HIV và giới thiệu, quảng bá các dịch vụ của CBO đã ra đời.

Để thực hiện hoạt động này, ALOBOY đã thực hiện chương trình phát thanh ALOVOICE thông qua các nền tảng mạng xã hội. ALOBOY đã tổ chức họp nhóm và lên kế hoạch chi tiết cho các buổi truyền thông thông qua các chương trình phát thanh và phân công cụ thể nhiệm vụ cho từng thành viên. Hình thức chủ yếu là trò truyện qua phát thanh do vậy danh tính của khách hàng được bảo mật, khách hàng và khán giả vẫn có cơ hội tương tác nhưng vẫn đảm bảo giữ được bí mật thông tin cá nhân. Nội dung buổi trò chuyện ALOVOICE khá đa dạng phụ thuộc vào các vấn đề khách hàng thường quan tâm và đề cập khéo léo và hấp dẫn kiến thức về HIV, LGBT và các chất gây nghiện. Ngoài ra, người dẫn chương trình trò chuyện với người nổi tiếng Miss Aloboy có cơ hội chia sẻ nỗi lòng và trăn trở của mình đến cộng đồng cũng như giới thiệu quảng bá các dịch vụ phòng, chống HIV mà ALOBOY đang cung cấp. Để tăng sự tiếp cận thông tin cho khách hàng không có cơ hội tham gia các buổi phát thanh trực tiếp, các buổi phát thanh của ALOVOICE được ghi lại đăng tải, chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội như Youtube và Facebook để tăng cường hiệu ứng lan tỏa các thông điệp đã truyền thông.

 

Hình 1. Đội ngũ CBO ALOBOY đang họp chuẩn bị thực hiện ALOVOICE

Kết quả cho thấy, chương trình phát thanh ALOVOICE đã được các khán giả là các nhóm đích của chương trình rất quan tâm. Thông qua tương tác hỏi đáp, khách hàng cho biết rằng đã biết bảo vệ sức khỏe và quan tâm hơn đến các dịch vụ của CBO. Một khách hàng cho biết “Tôi nhận được đồng cảm từ ALOBOY CBO cũng như từ khách hàng khác nên tự tin, bình an và hạnh phúc hơn trong cuộc sống”.

Ngoài nâng cao nhận thức cho khách hàng, chương trình phát thanh ALOVOICE còn hỗ trợ ALOBOY mở rộng phạm vi tiếp cận khách hàng, số khách hàng liên hệ xét nghiệm HIV tăng hơn sau khi chương trình phát thanh ALOVOICE đi vào hoạt động. Có thể nói chiến dịch ALOVOICE của CBO ALOBOY đã đáp ứng được mục tiêu của tổ chức đó là: nâng cao nhận thức về HIV, STIs và các chủ đề sức khỏe, cũng như góp phần giảm áp lực và mặc cảm cho khách hàng và tiếp cận rộng rãi, nhiều hơn số khách hàng có nhu cầu sử dụng dịch vụ thông qua việc nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của khách hàng.

ỨNG DỤNG KAHOOT TRONG TRUYỀN THÔNG VÀ TẬP HUẤN

Trước đây, các buổi truyền thông do các tổ chức dựa vào cộng đồng (CBO) điều phối thực hiện thường rơi vào tình trạng thông tin đi một chiều. Có nghĩa là, giảng viên cộng đồng thuyết trình kiến thức dự phòng HIV/AIDS còn khách hàng tiếp thu một cách thụ động. Trong khi nhóm khách hàng MSM – TG yêu thích công nghệ mới và luôn mang theo bên mình điện thoại thông minh và họ thường sử dụng điện thoại thông minh trong buổi truyền thông. Điều này khiến luồng thông tin bài giảng bị gián đoạn, làm giảm hiệu quả của buổi truyền thông.

Mặc dù thời gian gần đây các tổ chức cộng đồng đã được tập huấn về các kỹ năng truyền thông trực tiếp về phòng, chống HIV/AIDS nên các buổi truyền thông hoặc tập huấn đã có tính tương tác cao hơn, thu hút hơn khán giả tham gia các buổi truyền thông và tập huấn. Tuy nhiên, hiệu quả các buổi truyền thông và tập huấn này phụ thuộc khá nhiều vào kỹ năng của người điều hành, trong khi trình độ, năng lực và kỹ năng của mỗi thành viên không đồng đều, do vậy hiệu quả của một  số buổi truyền thông không đạt được như mong muốn.

Nhằm truyền tải được thông tin cơ bản các buổi truyền thông một cách hấp dẫn hơn, hiệu quả hơn, có tính tương tác cao hơn và nhất là có thể đánh giá nhanh được kiến thức và kỹ năng của người tham gia trong các buổi truyền thông và tập huấn. Trung tâm LIFE đã triển khai và hướng dẫn các CBO đang tham gia Dự án Tăng cường Kết nối cộng đồng phòng chống HIV phía Nam sử dụng ứng dụng Kahoot trong truyền thông và tập huấn.

Hình 2. Kahoot là nền tảng học tập bằng câu đố, sử dụng trong buổi truyền thông nhóm nhỏ về kiến thức dự phòng HIV/AIDS một cách trực quan sinh động.

Kahoot là nền tảng học tập bằng hình thức trắc nghiệm, người chơi có thể trả lời câu hỏi bằng điện thoại thông minh. Đây là một ứng dụng công nghệ mới, giúp tăng tương tác, nâng cao nhận thức, rất phù hợp với nhóm khách hàng nam quan hệ tình dục đồng giới và chuyển giới nữ (MSM – TGW) – những nhóm khách hàng ưa thích và hầu hết đều có điện thoại thông minh.

Việc chuẩn bị trò chơi Kahoot khá đơn giản khi các thành viên của CBO được hướng dẫn đó là: Cần bộ câu hỏi và trả lời, máy chiếu và wifi; người chơi chỉ cần có điện thoại thông minh. Các câu hỏi trắc nghiệm được cùng lúc chiếu lên màn hình máy chiếu và lên màn hình của người chơi. Các câu hỏi bám sát với nội dung trọng tâm về phòng, chống HIV/AIDS và chủ đề sức khỏe, dịch vụ mà các CBO muốn truyền tải hoặc thông qua các đánh giá trước đó về kiến thức khách hàng của CBO nhằm giúp cho khách hàng nâng cao nhận thức, từ đó cảm thấy tự tin hơn để bảo vệ sức khỏe.

Hình 3. Các câu hỏi bám sát với kiến thức dự phòng HIV/AIDS và chủ đề sức khỏe

Khi tổ chức trò chơi Kahoot, ngoài việc chiếu câu hỏi và đáp án và câu trả lời, giảng viên có thể đề nghị người tham gia giải thích câu trả lời, mời các khách hàng khác bổ sung thông tin hoặc chính giảng viên có thể bổ sung thông tin, mở rộng hơn về kiến thức nếu cần thiết cũng như chốt lại thông điệp chủ chốt của mỗi câu hỏi. Từ đó đặc biệt tăng mức độ tương tác thấu hiểu và không khí sôi động của buổi truyền thông, tập huấn cho các nhóm cộng đồng.

Do giao diện Kahoot thường kết hợp minh họa trực quan, thông tin công khai kết quả điểm và Ban tổ chức thường kèm theo phần thưởng cho các khách có điểm số cao nhất nên khách hàng MSM – TG đặc biệt phấn khởi hưởng ứng. Dựa vào kết quả trò chơi để chọn ra người thắng cuộc; cũng như làm công cụ đo lường khả năng tiếp thu của học viên, qua bảng thống kê cuối trò chơi.

Hình 4. Giao diện Kahoot minh họa trực quan các và kèm theo phần thưởng, khách hàng MSM – TG đặc biệt phấn khởi hưởng ứng, từ đó tiếp thu hiệu quả kiến thức và thông điệp của buổi truyền thông.

Với kinh nghiệm qua nhiều lần tổ chức, Kahoot mang lại nhiều thành quả đáng kể trong buổi truyền thông cũng như tập huấn dự phòng HIV/AIDS. Có tới hơn 90% khách hàng hàng nắm được kiến thức trong các buổi truyền thông, tập huấn.  Ngoài ra, các buổi truyền thông trở nên sôi nổi và nhận được nhiều phản hồi tích cực. Khách hàng thu thập được kiến thức bổ ích, giảm thiểu kỳ thị và quen thuộc với các dịch vụ phòng chống HIV do mạng lưới CBO cung cấp.

Tuy nhiên để ứng dụng này có thể được áp dụng rộng rãi các sáng kiến này, với chương trình phát thanh các CBO cần nghiên cứu kỹ các chủ đề phát thanh phù hợp với nhu cầu của khách hàng, khi tiến hành cần tăng tính tương tác. Khi ứng dụng Kahoot, Ban tổ chức cần lưu ý đảm bảo địa điểm truyền thông và tập huấn có mạng internet hoặc sóng wifi ổn định để người tham dự có thể tham gia trả lời câu hỏi suôn sẻ. Việc đầu tư thời gian cho bộ câu hỏi và đáp án cũng cần được chú ý và dành tâm huyết thích đáng để đúng trọng tâm của buổi truyền thông và tập huấn. Các câu hỏi không nên quá dàn trải mà cần tập trung vào các nội dung chính để từ đó giảng viên có thể huy động người tham gia trả lời, giải thích và mở rộng thông tin nhằm tăng tính tương tác giữa giảng viên và người tham gia. Việc sử dụng Kahoot có thể cho áp dụng cho toàn bộ buổi truyền thông, tập huấn nhưng cũng có thể giảng viên sử dụng ứng dụng này cuối buổi như đánh giá nhanh kết quả buổi truyền thông và tập huấn. Một điều cũng rất đáng lưu tâm là Ban tổ chức hay giảng viên cần chuẩn bị những phần quà nhỏ để trao cho những người có kết quả xuất sắc để tăng tính hấp dẫn và tương tác của người tham gia.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *