Ở Việt Nam. tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) thời gian qua tăng nhanh ở mức đáng báo động. Theo báo cáo của Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế về kết quả giám sát trọng điểm hàng năm cho thấy tỷ lệ hiện nhiễm HIV trong nhóm MSM tăng từ 2,3% năm 2012 lên 12,2% vào năm 2017.

Tại Đồng Nai, tỷ lệ lây nhiễm HIV trong nhóm MSM cũng liên tục tăng qua các năm và nam thanh niên quan hệ tình dục đồng giới (MSM) có tỷ lệ lây nhiễm cao hơn so với nhóm MSM lớn tuổi. Báo cáo các trường hợp nhiễm mới được phát hiện trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới giai đoạn từ 01/10/2017 – 30/09/2018 cho thấy số ca nhiễm HIV trong độ tuổi 10-24 tăng 37,6%, so với 26,0% ở nhóm MSM nói chung. Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng một trong những nguyên nhân nhóm MSM trẻ có tỷ lệ nhiễm HIV cao là do kiến thức và hành vi tình dục an toàn còn rất hạn chế. Đặc biệt với nhóm MSM trẻ nông thôn do lo sợ kỳ thị, phân biệt đối xử và tình trạng này có thể xảy ra ngay cả trong gia đình với những người thân; sự hạn chế tiếp cận các dịch vụ dự phòng bao gồm cả thông tin truyền thông do không sẵn có dịch vụ hoặc do thu nhập thấp v.v… được coi là rào cản đối với việc giáo dục nâng cao sức khỏe tình dục và phòng chống bệnh tật nói chung và dự phòng lây nhiễm HIV nói riêng.

Theo các khảo sát cho thấy, việc tiếp cận với các thông tin về phòng, chống HIV/AIDS qua công nghệ thông tin như mạng xã hội là kênh chủ yếu với nhóm MSM ở thành phố nhưng lại là hạn chế với thanh niên nông thôn có thu nhập thấp. Tuy vậy cũng qua khảo sát, thanh niên MSM nông thôn lại có nhu cầu và sở thích khám phá các vấn đề về mối quan hệ tình dục, danh tính, tình yêu, và các vấn đề cuộc sống khác của lứa tuổi thanh niên thông qua các nhân viên tiếp cận đồng đồng mà họ tin tưởng cũng như tham gia vào các nhóm hay câu lạc bộ đồng đẳng.

Buổi truyền thông về dự phòng HIV/AIDS và sức khỏe tình dục

Nắm bắt được những đặc điểm đó, ngay từ năm 2014, Trung tâm LIFE cùng 4 CBO tại Đồng Nai bao gồm Xuân Hợp, Gnet Biên Hòa, Thanh Niên Long Khánh và Niềm Tin Xanh đã chủ động tìm kiếm những MSM trẻ khó tiếp cận thông qua kết nối với các Câu lạc bộ Kỹ năng sống. Câu lạc bộ Kỹ năng sống đầu tiên được thành lập năm 2014 tại Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai cung cấp cho nhóm MSM trẻ những kiến thức, kinh nghiệm và khả năng thiết yếu để thích nghi và ứng xử tích cực. Thông qua hoạt động của Câu lạc bộ Kỹ năng sống, các CBO đã có thể tiếp cận và chia sẻ các kiến thức và kỹ năng phòng chống HIV/ AIDS và các nội dung sức khỏe tình dục khác trong lịch trình hoạt động của Câu lạc bộ. Các chủ đề thường xuyên được trao đổi và chia sẻ của Câu lạc bộ không chỉ là dự phòng lây nhiễm HIV, sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục hay các bệnh lây truyền qua đường tình dục mà còn giúp các em hiểu hơn về những kỳ vọng của gia đình, tôn giáo và xã hội; những biểu hiện và ý nghĩa của tình yêu và sự thân thiết, chống phân biệt đối xử với cộng đồng LGBT. Các câu lạc bộ cũng định kỳ tổ chức các sự kiện để đáp ứng nhu cầu và sở thích giao lưu trong nhóm MSM. Trong quá trình sinh hoạt cùng với các thành viên câu lạc bộ, các nhân viên tiếp cận cộng đồng của CBO đã hỗ trợ những MSM có nguy cơ làm xét nghiệm sàng lọc HIV tại phòng riêng tại chỗ hoặc chuyển gửi dịch vụ khác khi các khách hàng có nhu cầu.

Một buổi sinh hoạt của Câu lạc bộ Kỹ năng sống tại Đồng Nai

Với sáng kiến tiếp cận phù hợp với nhu cầu và nguyện vọng của nhóm MSM trẻ nông thôn nên chỉ trong năm tài chính 2018 (từ tháng 10 năm 2018 đến tháng 9 năm 2019) tại Đồng Nai, Trung tâm LIFE và các CBO đã tiếp cận gần 500 người thông qua 5 sự kiện truyền thông lớn và hơn 1.000 người thông qua 40 buổi truyền thông nhỏ.  Ngoài ra, các CBO cũng mời các chuyên gia từ ngành y tế, các cơ sở giáo dục và chính quyền địa phương tham dự các sự kiện này để một mặt giúp nâng cao nhận thức của họ về thực trạng nhiễm HIV trong các nhóm dân số nguy cơ cao và hỗ trợ, đồng thời cũng vận động để các tổ chức, cá nhân này tạo điều kiện thuận lợi và ủng hộ cho hoạt động của các CBO tại địa phương trong ứng phó với HIV/AIDS. Cũng thông qua tiếp cận trực tiếp, các kỹ năng tiếp cận, tìm kiếm và trao đổi thông tin qua mạng xã hội của nhóm MSM trẻ cũng được nâng cao. Nhiều thông tin liên quan đến kiến thức, kỹ năng phòng, chống HIV/AIDS; chăm sóc sức khỏe, tình yêu v.v… cũng đã được các thành viên chia sẻ kịp thời và hào hứng trên trang Fan của CBO và Facebook của các thành viên của họ, thông tin về những sự kiện đó đã đạt hơn 10.000 lượt xem trực tuyến. Từ đó, một mạng lưới vững mạnh đã được hình thành để hỗ trợ MSM trẻ, từ cuộc sống thực đến nền tảng Internet.

Từ nâng cao nhận thức và kiến thức, hành vi về phòng, chống HIV/AIDS trong nhóm MSM trẻ cũng đã tăng nhanh. Kết quả là, xét nghiệm HIV tại tỉnh Đồng Nai, trong năm tài chính 2019 của nhóm Dự án LIFE do USAID tài trợ (từ tháng 10 năm 2018 đến tháng 9 năm 2019) đã tư vấn cho 2.441 MSM trẻ và cung cấp 2.158 lượt xét nghiệm HIV trong đó có tới 106 (4,9%) người được khẳng định dương tính với HIV, tất cả các trường hợp HIV dương tính đã được chuyển tiếp vào điều trị ARV. Kết quả này đóng góp tới 37,6% số trường hợp MSM mới  nhiễm HIV (282 người) và đóng góp tới 11,5% tổng số trường hợp mới nhiễm HIV được tìm thấy trong giai đoạn này ở tỉnh Đồng Nai.

Khi được hỏi, một MSM trẻ nông thôn đang còn là học sinh trung học phổ thông đã cho biết “Tôi thực sự rất thích chương trình này. ban đầu tôi thực sự không muốn tham gia sự kiện vì ngại ngùng, nhưng các bạn đã dạy tôi rất nhiều điều để bảo vệ bản thân khỏi HIV và các hành vi tình dục nguy cơ. Tôi thực sự luôn nhớ tới các nội dung sinh hoạt về tình dục an toàn mà của bạn đã trao đổi khi ai đó yêu cầu tôi quan hệ tình dục không dùng bao cao su”.

 “Bây giờ tôi đang học lớp mười một. Tôi đến câu lạc bộ và nó khiến tôi nhận ra bao nhiêu căn bệnh tình dục nguy hiểm ngoài kia. Tôi muốn hạnh phúc và thành công trong cuộc sống, bây giờ tôi đã biết làm gì để được an toàn và sẽ tập trung vào việc học và tránh xa những người xấu” – Một học sinh trung học phổ thông khác tham gia câu lạc bộ cũng cho biết.

Không chỉ là thanh niên MSM, một số phụ huynh khi tìm hiểu và biết rằng con cái của họ tham gia sinh hoạt trong các Câu lạc bộ Kỹ năng sống một cách lành mạnh cũng phấn khởi cho biết:

“Chúng tôi rất vui với sự động viên và hướng dẫn của con trai tôi. Anh ấy bây giờ tự tin và hướng ngoại hơn. Điểm của anh ấy cũng đang được cải thiện ở trường. Cảm ơn vì tất cả!”.

Với kinh nghiệm triển khai mô hình Câu lạc bộ Kỹ năng sống tại tỉnh Đồng Nai nó giúp chúng ta một bài học mà rất nhiều người quản lý và triển khai chương trình có thể vẫn quên đó là: Phân tích khách hàng là yếu tố hết sức quan trọng vì với các nhóm khách hàng khác nhau sẽ có đặc điểm khác nhau, có sở thích và khả năng tiếp cận thông tin và dịch vụ khác nhau. Do vậy không thể áp dụng một mô hình duy nhất cho các nhóm khách hàng mà cần có sự vận dụng sáng tạo, linh hoạt. Khi chúng ta luôn lấy khách hàng làm trung tâm trong cung cấp dịch vụ thì các khó khăn đều có các giải pháp để khắc phục và thực hiện một cách hiệu quả.

Với sự phát triển của công nghệ thông tin ngày nay thì việc ứng dụng nó trong quản lý các chương trình sức khỏe nói chung và trong chương trình phòng, chống HIV/AIDS nói riêng trong những năm gần đây đã có rất nhiều tiến bộ. Nhờ ứng dụng công nghệ số trong quản lý thông tin khách hàng nên việc lưu trữ, trích xuất thông tin của khách hàng bao gồm cả báo cáo cho các cơ quan chức năng khi cần hết sức nhanh chóng và chính xác. Tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý sức khỏe khách hàng thời gian qua chủ yếu được áp dụng trọng hệ thống các cơ sở y tế nhà nước, nơi được đầu cơ sở vật chất cũng như trình độ cán bộ về công nghệ thông tin tốt hơn.

Với các tổ chức cộng đồng làm trong lĩnh vực phòng, chống HIV/AIDS với chức năng chính là tiếp cận khách hàng để truyền thông, tư vấn và cung cấp dịch vụ bao gồm cả chuyển gửi khách hàng đến các cơ sở y tế để nhận các dịch vụ dự phòng và điều trị HIV/AIDS như PrEP; ARV thì việc quản lý khách hàng cho đến nay vẫn chủ yếu được thực trên trên giấy. Việc quản lý hồ sơ khách hàng bằng giấy theo cách truyền thống có rất nhiều bất cập do lượng khách hàng và thông tin về khách hàng ngày càng nhiều dẫn đến một số lượng hồ sơ khách hàng bằng giấy khổng lồ, chưa kể khi cần việc trích xuất, cập nhật thông tin khách hàng về sử dụng dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS gặp rất nhiều khó khăn.

Nhằm hạn chế các nhược điểm trong quản lý khách hàng bằng phương pháp giấy tờ hay sổ sách truyền thông, thời gian qua một số nhân viên tiếp cận cộng đồng hoặc một số dự án đã triển khai ứng dụng quản lý khách hàng bẳng máy tính với việc sử dụng phần mềm excel cho các nhân viên tiếp cận cộng đồng. Dù việc sử dụng phầm mềm excel đã đáp ứng được một phần nhu cầu lưu trữ, quản lý và báo cáo hoạt động của dự án nhưng vẫn còn những nhược điểm như quá nhiều sổ sách, mất thời gian nhập từ file giấy, tổng hợp, phân tích, báo cáo và theo thời gian, cơ sở dữ liệu của dự án ngày càng nhiều nên việc quản lý dữ liệu khách hàng, theo dõi, trích xuất dữ liệu phục vụ công tác quản lý vẫn gặp nhiều khó khăn.

Với mục đích có một phần mềm quản lý khách hàng đơn giản để các tổ chức cộng đồng có thể dễ dàng sử dụng được nhưng vẫn đảm bảo nhu cầu quản lý dữ liệu và trích xuất dữ liệu một cách nhanh chóng phục vụ cho việc cải thiện chất lượng chương trình. Trung tâm LIFE với sự hỗ trợ của Dự án Tăng cường Kết nối cộng đồng phòng, chống HIV (C-Link) phía Nam đã phát triển phần mềm hệ thống dữ liệu cộng đồng. Sau khi phát triển phần mềm, Trung tâm đã tổ chức tập huấn và hướng dẫn cho các tổ chức cộng đồng cũng như hỗ trợ từng tiếp cận viên sử dụng phần mềm này để quản lý khách hàng. Trung tâm LIFE đã triển khai áp dụng phần mềm này cho 17 CBO tham gia dự án kể từ tháng 01/2017.

Hình 1. Danh sách khách hàng đang được chăm sóc trên App D.HEALTH

Sau một thời gian sử dụng, qua phản ánh của các tiếp cận viên cộng đồng và các tổ chức cộng đồng cho thấy phần mềm có rất nhiều ưu điểm:

  • Giúp tra cứu nhanh thông tin của khách hàng dựa vào mã số khách hàng;
  • Quản lý danh sách khách hàng theo các phân loại riêng nhằm phục vụ cho việc chăm sóc khách hàng, ví dụ như khách hàng nhiễm HIV chưa được kết nối điều trị HIV, khách hàng bỏ trị hoặc khách hàng mất dấu,… từ đó có các giải pháp tư vấn và chăm sóc khách hàng thuận lợi, kịp thời.
  • Phần mềm cũng có tính năng theo dõi tiến độ đạt được chỉ tiêu của từng tiếp cận viên, của từng CBO cũng như toàn dự án để giúp mỗi cá nhân biết được mình đã đạt được bao nhiêu so với mục tiêu đã đề ra.
  • Ngoài ra, sử dụng phần mềm này cũng giúp hạn chế việc trùng lắp khách hàng vì nếu nhập trùng thông tin khách hàng thì phần mềm sẽ không cho lưu vào hệ thống.
  • Một ưu việt nữa của phần mềm là giúp phân tích số liệu và trích xuất báo cáo theo thời gian được lựa chọn một cách nhanh chóng và chính xác.

Trên cơ sở thành công ban đầu, Trung tâm LIFE tiếp tục cải tiến và nâng cấp hệ thống quản lý và thu thập dữ liệu cũ lên ứng dụng trên nền tảng web với tên gọi quản lý sức khỏe khách hàng trên nền tảng số (Digital Health – D.Health). D.Health dựa trên web hiện đã được các CBO thuộc dự án do LIFE quản lý sử dụng để lưu trữ dữ liệu dự án nhằm theo dõi việc sử dụng dịch vụ của khách hàng, cung cấp dịch vụ của các tổ chức cộng đồng và hiệu suất tổng thể của chương trình. Ngoài ra, D.Health còn giới thiệu các thông tin và dịch vụ khác như xét nghiệm giáo dục, tự kiểm tra, PrEP, STIs, tư vấn sức khỏe tình dục, kỳ thị và phân biệt đối xử …

Hình 2. Hệ thống dữ liệu cộng đồng D.HEALTH và hệ thống dữ liệu y tế nhà nước liên kết với nhau

D.Health cũng có không gian để các CBO tổ chức cũng như khách hàng tham gia các sự kiện trực tuyến, trò chơi, câu đố và thực hiện khảo sát có cấu trúc. Để tăng khả năng hiển thị và khả năng tiếp cận của các dịch vụ được quảng bá thông qua D.Health, C-Link đã nâng cấp D-Health thành một ứng dụng di động để phục vụ như một cửa hàng trực tuyến do CBO quản lý.

Với mong muốn không chỉ hỗ trợ cho các CBO trong quản lý khách hàng, tương tác với khách hàng, phần mềm còn tiếp tục được nghiên cứu và nâng cấp để có thể chia sẻ thông tin giữa các tổ chức cộng đồng và các cơ sở cung cấp dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS để tạo ra cơ sở dữ liệu chung trong toàn tỉnh, thành phố. Khi hệ thống dữ liệu này được kết nối, việc giới thiệu khách hàng đến các cơ sở nhận dịch vụ như điều trị ARVhoặc PrEP cũng sẽ được tích hợp vào nhóm dữ liệu chung của tỉnh, thành phố. Sau khi việc kiểm tra dữ liệu đã được thực hiện tại kho dữ liệu tỉnh, thành phố và các đơn vị có thẩm quyền cũng sẽ xác nhận trở lại hệ thống và khi đó việc chuyển tuyến ART hay PrEP có thể được coi là thành công, điều này sẽ kích hoạt việc giải quyết hoàn trả cho CBO đối với chi phí giới thiệu và chuyển tiếp khách hàng một cách nhanh chóng.

Hình 3. Cơ chế quản lý dữ liệu

Có thể nói việc sử dụng công nghệ số trong quản lý các chương trình phòng, chống HIV/AIDS là xu hướng tất yếu và là việc cần phải được thực hiện càng sớm càng tốt với tất cả các dự án. Nó sẽ giúp không chỉ người quản lý, nhân viên tiếp cận cộng đồng triển khai, quản lý chương trình, khách hàng một cách khoa học và hiệu quả mà còn có khả năng cung cấp thông tin và tương tác với khách hàng một cách trực tiếp và sinh động hơn thông qua điện thoại di động có kết nối internet. Chúng tôi tin rằng việc sử dụng công nghệ số trong quản lý chương trình sẽ giúp cho việc quản lý, cải thiện chất lượng dự án và đóng góp vào sự phát triển bền vững của tổ chức.

Tuy nhiên để nên tảng công nghệ số trong các dự án phòng, chống HIV/AIDS của các tổ chức cộng đồng cũng đòi hỏi các tổ chức phải có nguồn lực nhất định bao gồm cả nguồn lực để phát triển phần mềm, ứng dụng; hệ thống trang thiết bị và đào tạo, tập huấn cho các CBO về việc sử dụng hệ thống này một cách hiệu quả. Một điều khác khi triển khai các ứng dụng công nghệ số này đó là luôn phải đặt quyền lợi của khách hàng là trung tâm nhất là vấn đề bảo mật thông tin cá nhân của khách hàng lên hàng đầu khi mà kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV vẫn còn là vấn đề khá phổ biến.

Trong những năm qua các tổ chức cộng đồng (CBO) ngày khẳng định vị trí và vai trò lớn hơn trong cung cấp dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS. Ngoài các dịch vụ truyền thống như tiếp cận, truyền thông, tư vấn, cung cấp các biện pháp dự phòng lây nhiễm HIV như bơm kim tiêm sạch, bao cao su và chất bôi trơn và gần đây cung cấp cả các dịch vụ phi truyền thống như xét nghiệm HIV tại cộng đồng. Tuy nhiên một số dịch vụ y tế chuyên sâu như điều trị PrEP; điều trị HIV/AIDS bao gồm cả ARV; điều trị Methadone thì việc chuyển khách hàng đến cơ sở y tế hay phòng khám nhận dịch vụ là cần thiết và là một trong những nhiệm vụ của các CBO để giúp khách hàng được tiếp cận các dịch vụ về dự phòng và điều trị HIV/AIDS một cách liên tục và hiệu quả.

Trước đây và ngay cả hiện nay ở nhiều nơi, với tổ chức cộng đồng việc chuyển gửi khách hàng tới các phòng khám cung cấp dịch vụ phụ thuộc nhiều vào mối quan hệ cá nhân của các tiếp cận viên với phòng khám cung cấp dịch vụ. Do vậy nhiều tiếp cận viên gặp khó khăn trong việc chuyển gửi và chăm sóc khách hàng sau khi gửi đến các phòng khám cũng như mất nhiều thời gian cho việc xác minh số liệu cũng như xác nhận việc chuyển gửi thành công. Cũng do không có một quy trình hoặc cơ chế phối hợp cụ thể nên ngay các cơ sở y tế đôi khi cũng rất lúng túng hoặc mất rất nhiều thời gian cho việc liên lạc với các tiếp cận viên của các dự án khác nhau. Các cơ sở y tế cũng không có số liệu báo cáo từ các CBO và hậu quả là khách hàng có thể không nhận được các dịch vụ thân thiện và có chất lượng.

Nhận thấy việc cần thiết phải giúp khách hàng tiếp cận dịch vụ chuyển tiếp, nhất là các dịch vụ xét nghiệm và điều trị HIV một cách nhanh nhất và hỗ trợ khách hàng duy trì và tuân thủ điều trị ARV, đồng thời để có cơ chế trao đổi và phản hồi nhanh nhất giữa CBO với các cơ cở y tế cung cấp dịch vụ, Trung tâm LIFE đã thí điểm và triển khai mô hình quan hệ đối tác giữa CBO với các cơ sở y tế cung cấp dịch vụ/phòng khám tại thành phố Hồ Chí Minh.

Với cơ chế này, ở cấp thành phố LIFE thảo luận và ký kết với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố mà trước đây là Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS một cơ chế phối hợp. Nội dung cơ chế phối hợp này có nhiều điều khoản và nội dung khác nhau trong đó có cơ chế để các CBO và cơ sở cung cấp dich vụ phòng, chống HIV trong thành phố chuyển gửi, tiếp nhận và phản hồi thông tin về khách hàng được chuyển gửi cũng như xác nhận chuyển gửi thành công. Từ cơ chế phối hợp đã được ký kết giữa Trung tâm LIFE và CDC tỉnh, Trung tâm LIFE, các CBO sẽ ký biên bản ghi nhớ hoặc thỏa thuận hợp tác 3 bên gồm LIFE; CBO và Phòng khám. Mỗi CBO sẽ liên kết tối đa với 02 phòng khám cung cấp dịch vụ trên địa bàn mà các CBO đặt văn phòng. Thỏa thuận sẽ đề cập chi tiết các cơ chế chuyển gửi, tiếp nhận, phản hồi thông tin cũng như là xác minh dữ liệu và xác nhận dịch vụ của khách hàng được chuyển gửi giữa CBO và phòng khám. Sau khi ký Thỏa thuận phối hợp, các phòng khám và CBO sẽ định kỳ chia sẻ thông tin về khách hàng và chuyển gửi dịch vụ.

Với mô hình Phòng khám kết nghĩa này, việc chuyển gửi khách hàng thành công đến nhận dịch vụ về xét nghiệm khẳng định HIV và điều trị ARV thành công qua các năm đã tăng lên rất nhanh ở tất cả các quận, huyện triển khai mô hình. Chẳng hạn năm 2018 ở Quận Gò Vấp các CBO chỉ chuyển gửi khoảng 50% khách hàng thành công thì năm 2019 tỷ lệ này đã đạt tới 100% và năm 2020 đạt xấp xỉ 89%.

Cũng do khả năng thích ứng với nhu cầu của khách hàng (ví dụ: linh hoạt giờ làm việc) và nhân viên có sự hiểu biết sâu sắc về khách hàng từ việc tham gia vào các hoạt động của CBO nên một số các phòng khám cũng đã thu hút một lượng lớn khách hàng nhận dịch vụ. Chẳng hạn, chỉ trong quí 2 và quí 3 năm tài chính 2021 các CBO của thành phố Hồ Chí Minh có triển khai mô hình đối tác CBO – Phòng khám đã góp phần tăng rất nhiều số bệnh nhân mới điều trị ARV so với các các quận huyện không có mô hình đối tác này.

Nhận xét về mô hình đối tác CBO – Phòng khám, một cán bộ tại OPC Long Thành đã cho biết: “CBO Full House đã rất tích cực và cung cấp hỗ trợ để chuyển gửi khách hàng và đăng ký và điều trị ARV tại đây”.

Ngoài việc chuyển tiếp dịch vụ việc triển khai thành công mô hình đối tác CBO với các phòng khám còn giúp tăng cường mối liên kết chặt chẽ giữa các phòng khám và các CBO; các tiếp cận viên của CBO, nhân viên phòng khám có cơ hội gặp gỡ thường xuyên cũng như tham gia các cuộc giao ban định kỳ hàng tháng, hàng quý. Từ đó giúp giải quyết nhanh chóng và kịp thời các vấn đề phát sinh như tìm ca, mất hay bỏ điều trị. Việc thẩm tra số liệu, xác minh, xác nhận chuyển gửi thành công cũng như tổng hợp số liệu báo cáo giữa CBO và các phòng khám cũng nhanh chóng và thuận lợi hơn. Các CBO cũng nâng cao được vai trò và vị thế của mình khi làm việc với các cơ quan nhà nước hay phòng khám mà trước đó chủ yếu dựa trên mối quan hệ và năng lực cá nhân. Cũng thông qua mô hình này mà các phòng khám hiểu hơn về năng lực, chất lượng cung cấp dịch vụ qua thông tin phản hồi từ khách hàng và CBO từ đó giúp cho các phòng khám cải thiện chất lượng để trở thành phòng khám thân thiện hơn. Cuối cùng là khách hàng sẽ là người được hưởng lợi khi việc chuyển tiếp dịch vụ được kết nối nhanh chóng, nhận dịch vụ kịp thời cũng như dịch vụ có chất lượng nhất và thân thiện nhất với khách hàng.

 “Các thành viên của CBO G3VN giống như những thành viên trong gia đình của chúng tôi”. Đó là nhận xét của Lãnh đạo OPC Quận 3, thành phố Hồ Chí Minh.

Mô hình này cũng phát huy hiện quả trong việc giúp người bệnh không bị gián đoạn điều trị nhất là trong thời điểm dịch COVID-19 nhiều cơ sở y tế bị phong tỏa hay thành phố bị giãn cách xã hội do dịch COVID-19. Không chỉ các CBO giúp việc gửi thuốc ARV cho người bệnh để điều trị bị mắc kẹt trong khu vực cách ly, tất cả nhóm FULL HOUSE ĐỒNG NAI đã được Trung tâm Y tế huyện Long Thành, Đồng Nai cấp giấy phép đi lại trong thời gian giãn cách xã hội để thuận lợi trong di chuyển và các nhân viên này cũng đã được ưu tiên chủng ngừa vắc xin COVID-19 trong nhưng đợt tiêm đầu tiên.

Mô hình đối tác CBO-Phòng khám chính thức được triển khai lần đầu từ năm 2015 tại Dự án Cộng đồng phòng, chống HIV/AIDS khu vực phía Nam (C-Link) do USAID hỗ trợ, từ thành công của những mô hình ban đầu về sự liên kết giữa CBO và phòng khám đã được chứng minh là hiệu quả, giải quyết nhu cầu của khách hàng về các dịch vụ nhanh chóng, thân thiện chất lượng hơn, Trung tâm LIFE đã triển khai mở rộng mô hình này ra tất cả các CBO và các phòng khám cung cấp dịch vụ HIV/AIDS tại các quận, huyện của thành phố Hồ Chí Minh. Tiếp đến đã mở rộng ra 03 huyện có gánh nặng HIV cao ở tỉnh Đồng Nai.

Bài học rút ra khi triển khai mô hình đối tác giữa CBO và các phòng khám đó là chúng ta có thể nhân rộng mô hình này ra các tỉnh thành phố khác, tuy nhiên cần lưu ý một số các điểm sau:

  • Cần phải xây dựng năng lực và huấn luyện CBO trong việc xây dựng niềm tin và uy tín đối với phòng khám vì mối quan hệ đối tác rất cần niềm tin và uy tín, điểm này các CBO trước đây chưa thực sự chú trọng và còn hạn chế.
  • Cần phải liên tục nuôi dưỡng và thường xuyên đánh giá mối quan hệ kết nghĩa CBO với phòng khám để duy trì và tăng cường mối quan hệ hợp tác này. Bất cứ khó khăn vướng mắc nào nếu có cần được giải quyết kịp thời giữa CBO và phòng khám, nếu cần đơn vị phụ trách các CBO (Trung tâm LIFE) sẽ hỗ trợ để tạo thuận lợi cho việc nuôi dưỡng mối quan hệ này cũng như tạo uy tín và niềm tin của các CBO với các đối tác khác.
  • Cần phải vận động để các CBO như một phần không thể thiếu được của các phòng khám bao gồm nguồn cung cấp khách hàng thường xuyên; báo cáo hoạt động cũng như phản hồi thông tin giúp cải thiện và nâng cao chất lượng dịch vụ.
  • Các phòng khám từ cơ chế kết nghĩa này có thể cần được đầu tư, đào tạo thêm và hỗ trợ kỹ thuật để có thể phục vụ các nhu cầu khác nhau của khách hàng.

Mục tiêu 90-90-90 vào năm 2020 mà Liên hợp quốc phát động năm 2014 (90% người nhiễm HIV biết tình trạng HIV của mình; 90% người chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc kháng vi rút (ARV); và 90% người điều trị bằng ARV có tải lượng vi rút dưới ngưỡng ức chế) đã được Việt Nam – một trong những quốc gia đầu tiên hưởng ứng. Mục tiêu này nếu đạt được sẽ giúp từng quốc gia cũng như thế giới tiến tới kết thúc dịch AIDS vào năm 2030.

Trong các mục tiêu này, có thể nói mục tiêu 90 đầu tiên là vô cũng quan trọng bởi vì nó như là đầu vào cho việc thực hiện và hoàn thành các mục tiêu sau. Như vậy việc đẩy mạnh tư vấn xét nghiệm HIV hay tìm các trường hợp nhiễm mới HIV đóng một vai trò quyết định trong việc chuyển tiếp họ vào điều trị và hỗ trợ tuân thủ điều trị, từ đó sẽ tiến tới kết thúc dịch AIDS ở Việt Nam.

Hiểu được tầm quan trọng đó, trong nhiều năm qua các tổ chức quốc tế cũng như các đơn vị triển khai dự án phòng, chống HIV/AIDS bao gồm các tổ chức cộng đồng đã áp dụng và thay đổi nhiều chiến lược khác nhau với mục đích tiếp cận đúng đối tượng có hành vi nguy cơ cao, tư vấn xét nghiệm HIV và tìm ra những trường hợp HIV dương tính để chuyển vào điều trị bằng thuốc ARV.

Tuy nhiên, hầu hết các tổ chức khi đặt mục tiêu tìm ca nhiễm mới HIV đều đưa ra chỉ tiêu số ca nhiễm mới HIV mà các tổ chức cần phải tìm, giao cho các tổ chức địa bàn tiếp cận theo quy định và cả đối tượng đích dự kiến tiếp cận. Từ đó các tổ chức xã hội thực hiện theo kế hoạch đã đề ra và được chi trả theo kết quả thực tế hay theo hiệu suất mà các tổ chức đã thực hiện được. Với phương pháp đó dù đã có nhiều ưu điểm nhưng nhược điểm lớn nhất là không kích thích được sự sáng tạo của các tổ chức cộng đồng, cũng không tạo sự cạnh tranh trong việc triển khai tìm ca nhiễm mới HIV trong cộng đồng.

 

“Đồng hồ đếm ngược” là hình ảnh khá quen thuộc trong những năm gần đây thường được sử dụng trong những sự kiện như năm mới và cũng thường hay được sử dụng trong những cuộc thi.

Đồng hồ đếm ngược luôn nhắc nhở, cập nhật cho những người trong cuộc chơi về thời gian còn lại hay nhiệm vụ đã đạt được, nhiệm vụ cần hoàn thành cũng như đích đến. Từ đó nó kích thích sự năng động, sáng tạo cho người chơi và tạo ra sự cạnh tranh công bằng cho tất cả người chơi để tiến về đích một cách nhanh chóng nhất.

Lấy cảm hứng từ “Đồng hồ đếm ngược”, Trung Tâm Nâng cao Chất lượng Cuộc sống (LIFE) đã có sáng kiến áp dụng Chiến lược “Đồng hồ đếm ngược” trong việc tìm ca nhiễm mới HIV trong Dự án Kết nối cộng đồng các tỉnh phía Nam (C-link) do USAID tài trợ tại thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía nam. Với nguyên tắc mới áp dụng cho tất cả các tổ chức cộng đồng (CBO) đó là việc chi trả cho việc tìm kiếm ca nhiễm mới HIV theo nguyên tắc chi trả theo hiệu suất nhưng:

  • Không giới hạn số lượng ca đăng ký: Tức không giao chỉ tiêu hay giới hạn chỉ tiêu số ca nhiễm HIV mới tìm cho các tổ chức cộng đồng.
  • Không giới hạn đối tượng đích (như trước đây) cho từng tổ chức.
  • Không giới hạn chỉ tiêu cho từng tiếp cận viên.
  • Không giới hạn địa bàn tiếp cận với một tổ chức
Tư vấn xét nghiệm tại cộng đồng do nhân viên cộng đồng thực hiện

Trung tâm LIFE cũng sẽ cập nhật kết quả và các nhóm cộng đồng có thể theo dõi chỉ số thực hiện hàng tuần, từ đó cho phép các CBO biết đã đạt được bao nhiêu và mục tiêu còn lại để cùng nhau tăng tốc.

Với sáng kiến này, các tiếp cận viên cũng như các tổ chức cộng đồng đã liên tục thay đổi trong cách tiếp cận – cung cấp dịch vụ dự phòng lây nhiễm HIV từ tiếp cận cá nhân sang mô hình thủ lĩnh cộng đồng, từ mô hình tổ chức xã hội dựa vào cộng đồng (CBO) sang hệ thống liên minh các tổ chức cộng đồng v.v… nhằm đáp ứng với sự thay đổi trong bối cảnh xã hội và nhu cầu của khách hàng. Các tiếp cận viên cũng như các tổ chức cộng đồng được trao quyền và kích thích sáng tạo, sự cạnh tranh, năng động và tiết kiệm chi phí.

Nhờ sáng kiến mới này, Trung tâm LIFE đã hỗ trợ các CBO phát hiện nhiều trường hợp dương tính với HIV hơn chỉ trong thời gian ngắn. Chẳng hạn, chỉ trong 9 tháng đầu năm 2017, các tổ chức cộng đồng thuộc Trung tâm LIFE đã phát hiện ra 2,547 ca dương tính với HIV hay chỉ trong quý đầu tiên của năm tài chính 2019 (01/10/2018-31/12/2018), các nhóm dự án của Trung tâm LIFE đã tìm được 734 ca nhiễm HIV mới ở Thành phố Hồ Chí Minh, rút ngắn một nửa thời gian so với các ca tương tự được tìm thấy trong năm tài chính 2018 thậm chí có thời điểm kết quả đạt được cao gấp ba lần so với trước đây với khung thời gian tương tự.

Anh Sơn Lê, trưởng nhóm cộng đồng G3VN cho biết: “Với cơ chế mới này, chúng tôi không bị giới hạn bởi mục tiêu tìm kiếm các ca dương tính với HIV mà được khuyến khích tìm ra càng nhiều ca càng tốt”.

Làm việc tập thể, kích thích sáng tạọ không giới hạn

Một tiếp cận viên khác của tổ chức cộng đồng Aloboy cũng chia sẻ: “Đồng hồ đếm ngược cho phép chúng tôi áp dụng phương pháp tiếp cận cộng đồng, sáng tạo và linh hoạt, cũng như tận dụng nguồn lực một cách thích hợp.”.

Sau nhiều năm áp dụng và triển khai, có thể nói “Đồng hồ đếm ngược” đã được chứng minh là một cơ chế dựa trên hiệu suất sáng tạo và hiệu quả về chi phí trong việc tìm ca nhiễm mới HIV. Chúng tôi cho rằng, sáng kiến “Đồng hồ đếm ngược” còn có thể áp dụng được cho các mục tiêu khác của chương trình phòng, chống HIV như chuyển tiếp điều trị ARV hay giới thiệu và chuyển tiếp điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) hoặc bất cứ can thiệp cộng đồng nào có sự chi trả theo hiệu suất. Điều quan trọng hơn của thành công này đó là các tổ chức cộng đồng thông qua cơ chế “Đồng hồ đếm ngược” được trao quyền nhiều hơn, chủ động sáng tạo và linh hoạt hơn với cùng nguồn lực mà tổ chức đó hiện có.

Năm 2021 là năm đầy biến động với nền kinh tế xã hội tại Việt Nam nói chung và chương trình phòng, chống HIV/AIDS nói riêng. Khi làn sóng dịch thứ 4 bùng phát tại Việt Nam nhất là chủng vi rút Delta lây lan nhanh tại các tỉnh, thành phố phía Nam, trong khi tỷ lệ người được tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 ở mức rất thấp, hầu hết các tỉnh, thành phố phía nam đã áp dụng Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về áp dụng cách ly toàn xã hội với nguyên tắc: Gia đình cách ly với gia đình; thôn bản cách ly thôn bản; xã, phường cách ly với xã phường …tỉnh, thành phố cách ly với tỉnh thành phố. Nguồn lực cho phòng, chống HIV/AIDS kể cả đội ngũ cán bộ y tế làm về phòng, chống HIV/AIDS cũng được huy động để tập trung cho phòng, chống dịch COVID-19. Hệ quả là hầu hết các hoạt động tiếp cận và cung cấp dịch vụ trực tiếp cho công tác phòng, chống HIV/AIDS nhất là của các CBO đã bị gián đoạn. Chưa kể nhiều doanh nghiệp bị đóng cửa nên người lao động nhiễm nhân HIV đã không được mua thẻ bảo hiểm y tế và gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống; khách hàng mới của chương trình phòng, chống HIV/AIDS không thể nhận được các dịch vụ dự phòng và điều trị; Bệnh nhân đang điều trị ARV; Methadone hay PrEP có nguy cơ không được điều trị liên tục.

Dự án Tăng cường Kết nối cộng đồng phòng, chống HIV (C-Link) phía Nam do Trung tâm LIFE thực hiện dưới dự tài trợ của USAID cũng không phải là trường hợp ngoại lệ khi các tiếp cận viên không thể đi lại như trước đây để cung cấp dịch vụ và hỗ trợ khách hàng. Câu hỏi mà mỗi cán bộ của Trung tâm LIFE và các CBO luôn đặt ra mỗi ngày là làm thế nào để tiếp tục chăm sóc, hỗ trợ khách hàng trong bối cảnh giãn cách xã hội do dịch COVID-19? Tuy nhiên, trong khó khăn, nhiều sáng kiến, giải pháp đã được cả Ban quản lý dự án và các nhóm CBO sử dụng đề xuất với mục tiêu cao nhất tất cả vì lợi ích của khách hàng.

Ở cấp độ Trung tâm LIFE và Ban quản lý Dự án C-link:

– Trung tâm LIFE đã tổ chức các buổi họp trực tuyến với các CBO để nhận diện những khó khăn mà khách hàng đang gặp phải cũng như tìm các giải pháp để chăm sóc hỗ trợ khách hàng.

Hình 1. Các chương trình tập huấn kỹ năng truyền thông truyền thông online

– Các nhóm CBO ã được Dự án C-Link nâng cao khả năng tiếp cận khách hàng, tư vấn và giao tiếp bằng cách sử dụng tất cả các nền tảng kỹ thuật số. Nhân viên của LIFE đã tích cực hỗ trợ các CBO chuyển đổi từ tiếp cận trực tiếp sang tiếp cận và giao tiếp trực tuyến. Đồng thời, nhóm truyền thông LIFE cũng tăng cường truyền thông về ARV, tuân thủ PrEP thông qua D.Health và LIFE’s Fan page. Ngoài ra, Trung tâm LIFE cũng đã tổ chức các cuộc họp kiểm tra hai tuần một lần với các CBO để nhận thông tin cập nhật và hỗ trợ kịp thời.

– Trung tâm cũng đã phối hợp với phòng khám cung cấp dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS đang liên kết, hợp tác với các CBO để kịp thời hỗ trợ khách hàng đang gặp khó khăn như tiếp tục nhận dịch vụ can thiệp giảm hại, điều trị PrEP; Điều trị ARV hay tư vấn xét nghiệm. Cũng nhờ vậy mà các khó khăn của khách hàng bao gồm cả những vấn đề liên quan đến giấy tờ cá nhân, thẻ BHYT v.v.. của khách hàng cũng được tháo gỡ để khách hàng được điều trị ARV sớm hoặc kết nối điều trị PrEP hay Methadone.

– Trung tâm LIFE cũng đã vận động các Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) các tỉnh, thành phố để hỗ trợ giấy tờ đi lại cho các tiếp cận viên của CBO để họ được tạo điều kiện thông qua các chốt kiểm dịch. Từ đó các tiếp cận viện có thể hỗ trợ khách hàng trong những trường hợp cần thiết chẳng hạn đưa thuốc ARV cho khách hàng để tiếp tục điều trị ARV. Vận động CDC để các nhân viên tiếp cận cộng đồng được ưu tiên tiêm vắc xin COVID-19 sớm để họ được an toàn hơn trong quá trình tiếp cận và đi lại.

– Nâng cao nhận thức cho các tiếp cận viên của CBO và khách hàng cũng như chăm sóc sức khỏe tâm thần trở nên cần thiết do bị giãn cách xã hội. Chuỗi các chương trình giao tiếp trực tuyến với tên gọi “Câu chuyện tối thứ 6 – Friday Talks” và “Người ơi, Hãy thở đi – My Dear, Just Breathe” được thực hiện bởi LIFE và các nhóm CBO đã không chỉ hỗ trợ tinh thần cho các thành viên CBO, duy trì liên hệ với khách hàng mà còn chia sẻ với các cộng đồng các thông tin, kiến thức và kỹ năng quản lý căng thẳng và trầm cảm trong ứng phó với tác động của COVID-19.

– Để đảm bảo các khách hàng sử dụng PrEP và ARV được hỗ trợ kịp thời, Trung tâm LIFE đã tăng cường hợp tác IP chéo thông qua trao đổi nhóm Zalo: Trong giai đoạn dịch COVID-19 các tỉnh, thành phố bị cách ly, phong tỏa, hai nhóm Zalo đã được thành lập giữa Dự án C-Link phía Nam và các dự án EpiC và Healthy Markets. Nhờ đó, các IP có thể thông báo cho nhau về các vấn đề, các khó khăn, thách thức như việc thu thập số liệu, phân phối ARV và thảo luận các giải pháp được kịp thời.

Ở cấp độ các Tổ chức cộng đồng

– Tất cả các CBO đều thực hiện các hoạt động truyền thông online đa phương tiện, tận dụng mọi hình thức khác nhau như livestream, talkshow, tiktok, youtube, viral video clip…Ngoài việc thực hiện truyền thông đại chúng qua mạng xã hội, các CBO còn lên lịch hẹn trực tiếp để trao đổi, tư vấn và chia sẻ thông tin qua các kênh xã hội (Zalo, Mesenger, app Blued, Ginder… v.v…)

– Việc cung cấp dịch vụ cho khách hàng cũng được thực hiện linh hoạt. Chẳng hạn thay vì xét nghiệm HIV tại cộng đồng, các CBO đã hỗ trợ cung cấp dịch vụ tự xét nghiệm HIV. Hỗ trợ  chuyển test xét nghiêm HIV đến tận tay khách hàng qua bưu điện, qua dịch vụ vận chuyển grab, uber,… và qua xe ôm. Trong thời kỳ giãn cách xã hội, tiếp cận viên của các CBO đã lên kế hoạch chặt chẽ để đảm bảo đủ nguồn cung cấp bộ dụng cụ tự xét nghiệm cho khách hàng.  Các CBO đã tăng cường vận chuyển bộ dụng cụ tự xét nghiệm cho khách hàng và hướng dẫn họ thực hiện xét nghiệm thông qua các cuộc gọi điện video. Với nỗ lực đó, chỉ trong năm tài chính 2021 mà chủ yếu trong giai đoạn giãn cách xã hội, Dự án C-Link phía nam đã phân phối 7.452 bộ xét nghiệm HIV đạt 111,9%% kế hoạch cho thành phố Hồ Chí Minh và Đồng Nai. Việc xét nghiệm cho bạn tình, bạn chính theo hình thức online vẫn được duy trì. Năm tài chính 2021, Dự án cũng đã cung cấp dịch vụ tự xét nghiệm cho 5.952 bạn tình, bạn chích, phát hiện được  897 người dương tính với HIV (tỷ lệ dương tính là 15,1%). Kênh xét nghiệm này đóng góp tới 40,5% vào tổng số trường hợp nhiễm HIV được phát hiện trong năm tài chính 2021.

Hình 2. Một số chương trình truyền thông Online được các CBO thực hiện

– Việc tư vấn hỗ trợ tuân thủ điều trị ARV và duy trì điều trị PrEP ít nhất 3 tháng cũng như tư vấn, kết nối các nguồn lực sinh kế, việc làm cho khách hàng cũng đã được các CBO thực hiện online. Ngoài ra còn kết nối giữa các CBO ở các địa bàn khác nhau để giới thiệu, chuyển gửi khách hàng kết nối vào điều trị PrEP, ARV.  Các CBO cũng trực tiếp tham gia giải quyết các khó khăn liên quan tới tiếp cận, duy trì điều trị trong thời giãn cách xã hội do COVID-19 như: Hỗ trợ nhận và chuyển thuốc ARV và PrEP cho khách hàng; cung cấp thông tin hướng dẫn mới về hoạt động điều trị, cấp thuốc của Bộ Y tế cũng như cập nhật các quy định về giãn cách xã hội của địa phương….

–  Thực hiện các gói hỗ trợ trong dịch COVID-19 bao gồm: Thực phẩm, phí sinh hoạt, vitamin, vật dụng bảo hộ và các mặt hàng thiết yếu để giải quyết nhu cầu cá nhân…để giảm thiểu tác động của COVID-19, hỗ trợ các nhóm đích và người có HIV có hoàn cảnh khó khăn: Cũng trong năm tài chính 2021 đã có 5.484 khách hàng có hoàn cảnh khó khăn nghiêm trọng tại TP.HCM và Đồng Nai được hỗ trợ. Ngoài ra, trong tháng 8 và tháng 9, với sự chấp thuận của SGAC, Dự án C-Link phía nam đã thành lập một Nhóm ứng phó bao gồm nhân viên cơ sở y tế tuyến huyện, nhân viên CBO và đại diện của người có HIV để cung cấp thực phẩm cho 2.000 người có HIV tại thành phố Hồ Chí Minh và Đồng Nai. Dự án C-Link phía nam đã sử dụng quỹ dự án chưa sử dụng là “Quỹ cứu trợ COVID” để giải quyết nhu cầu cá nhân của 3.484 người có HIV và các cá nhân trong các nhóm đối tượng chính (KP) có hoàn cảnh rất khó khăn ở TP.HCM và Đồng Nai. Các khoản hỗ trợ được cung cấp bao gồm thực phẩm, bộ dụng cụ sơ cứu, thuốc thiết yếu, trả tiền thuê phòng, tiền điện và chi phí sinh hoạt.

– Việc quản lý chất lượng cũng đã được Dự án và CBO chú trọng dù trong dịch COVID-19: Các CBO xây dựng các hoạt động đánh giá chất lượng dịch vụ cho chính CBO cung cấp hàng ngày trên các fanpage, website, google form để tự cải thiện chất lượng. CBO xây dựng khảo sát đánh giá nhu cầu của khách hàng để lên kế hoạch truyền thông và hỗ trợ khách hàng một cách hiệu quả.

Qua ứng phó với dịch COVID-19 trong năm 2021, có thể thấy dù đại dịch COVID đã ảnh hưởng tiêu cực đến chương trình phòng, chống HIV/AIDS, tuy nhiên với các sáng kiến và sự hỗ lực của toàn bộ nhân viên Trung tâm LIFE cũng như sự hợp tác của các CBO, các hoạt động của chương trình phòng, chống HIV/AIDS vẫn được thực hiện theo một cách linh hoạt. Việc chăm sóc, hỗ trợ khách hàng trong giai đoạn giãn cách xã hội tuy có bị ảnh hưởng nhưng vẫn được hỗ trợ ở mức cao nhất có thể. Cũng qua ứng phó với dịch COVID-19 trong thời gian qua, chúng tôi cho rằng dù dịch COVID-19 có thể có diễn biến khác và các biện pháp giãn cách xã hội đã được điều chỉnh theo chiến lược “thích ứng an toàn” nhưng việc ứng dụng các cách tiếp cận, cung cấp dịch vụ, cũng như chăm sóc hỗ trợ khách hàng online cũng sẽ là sáng kiến tốt cần được duy trì, phát huy và có thể tiếp tục với các biện pháp truyền thống là tiếp cận và cung cấp dịch vụ trực tiếp. Tuy nhiên để thực hiện được điều này, các dự án cần chủ động nâng cao năng lực cho các CBO, tiếp cận viên về kỹ năng sử dụng các ứng dụng online, kỹ năng xây dựng, tiếp cận và quảng bá dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS trên các nền tảng trực tuyến một cách linh hoạt. Cùng với đó việc vận động thay đổi thói quen làm việc, xác nhận, đánh giá hiệu quả và đầu tư các chi phí như phần mềm online (ví dụ Zoom) và cải thiện tốc độ đường truyền cũng là những việc cần được cân nhắc không chỉ trong bối cảnh dịch COVID-19 mà cả trong tương lai.

Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn còn đang khá căng thẳng cùng với xu hướng phát triển của công nghệ, việc sử dụng Internet đang ngày càng chiếm vị thế quan trọng trong cuộc sống. Theo báo cáo của WeAreSocial và Hootsuite đã công bố báo cáo toàn cảnh ngành Digital, tính đến tháng 01/2021 có khoảng 68,17 triệu người Việt Nam đang sử dụng Internet (chiếm 70.3% dân số) thông qua các nền tảng, ứng dụng khác nhau, với thời lượng trung bình là sử dụng internet lên đến 6 giờ 47 phút. Đây được xem là khoảng thời gian tương đối lớn được sử dụng trong 1 ngày. Cũng theo số liệu thống kê từ Statista, Việt Nam có hơn 61,37 triệu người dùng điện thoại thông minh (smartphone), tương đương 64% dân số đang sở hữu smartphone nằm trong top 10 quốc gia có lượng người dùng smartphone lớn nhất thế giới.

Nắm bắt xu hướng đó, trong thời gian gần đây nhiều tổ chức đang triển khai chương trình phòng, chống HIV/AIDS đã sử dụng các ứng dụng công nghệ trực tuyến vào truyền thông, tư vấn và thậm chí cung cấp dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19 như cung cấp test kit HIV qua các trang web. Trung tâm LIFE với sự hỗ trợ của Dự án Tăng cường Kết nối cộng đồng phòng, chống HIV (C-Link) phía Nam do USAID hỗ trợ thời gian qua cũng đã sử dụng nhiều ứng dụng trực tuyến để áp dụng trong truyền thông và tập huấn về phòng, chống HIV/AIDS. Chúng tôi muốn chia sẻ 2 ứng dụng mà các CBO của Dự án Tăng cường Kết nối cộng đồng phòng, chống HIV (C-Link) phía Nam triển khai do Trung tâm LIFE hỗ trợ mà chúng tôi cho rằng nó đã thành công và có thể ứng dụng rộng rãi hơn để đem lại các cách tiếp cận mới cho khách hàng cũng như người tham gia tập huấn.

ALOVOICE – TRUYỀN THÔNG NÂNG CAO NHẬN THỨC QUA RADIO

Tổ chức dựa vào cộng đồng (CBO) ALOBOY là một trong các CBO tham gia Dự án Tăng cường Kết nối cộng đồng phòng chống HIV phía Nam dưới hỗ trợ của USAID, PEPFAR và Trung tâm LIFE. Trong quá trình triển khai dự án năm 2019, CBO ALOBOY nhận thấy mạng lưới tiếp cận viên còn mỏng nên việc tiếp cận trực tiếp với nhóm khách hàng đích còn rất hạn chế, trong khi việc tiếp cận khách hàng qua các kênh truyền thống như mối quan hệ cá nhân, Fanpage Facebook và Blued (ứng dụng hẹn hò dành cho khách hàng nam quan hệ tình dục đồng giới) ngày càng trở nên khó khăn. Trong khi đó khách hàng ngày càng trẻ hóa thiếu kiến thức về dự phòng và điều trị HIV/AIDS; kiến thức về an toàn tình dục; tình trạng lạm dụng chất nghiện ngày càng phổ biến hơn cũng góp phần vào làm gia tăng lây nhiễm HIV. Ngoài ra, khách hàng bị kỳ thị, ngại tiếp cận trực tiếp nên cũng tự cô lập bản thân, sợ hãi và e ngại sử dụng dịch vụ của CBO cũng như tiết lộ thông tin bạn tình.

Với mong muốn nhiều khách hàng được tiếp cận thông tin về phòng, chống HIV/AIDS nhiều hơn, phong phú hơn, hình thức cần hấp dẫn và vẫn đảm bảo tính tương tác với khách hàng lại đảm bảo tính bảo mật thông tin cá nhân, chiến dịch ALOVOICE – hình thức chia sẻ tâm sự nhằm cung cấp kiến thức dự phòng HIV, bệnh lây qua đường tình dục, hỗ trợ tâm lý, giảm thiểu kỳ thị phân biệt đối xử liên quan HIV và giới thiệu, quảng bá các dịch vụ của CBO đã ra đời.

Để thực hiện hoạt động này, ALOBOY đã thực hiện chương trình phát thanh ALOVOICE thông qua các nền tảng mạng xã hội. ALOBOY đã tổ chức họp nhóm và lên kế hoạch chi tiết cho các buổi truyền thông thông qua các chương trình phát thanh và phân công cụ thể nhiệm vụ cho từng thành viên. Hình thức chủ yếu là trò truyện qua phát thanh do vậy danh tính của khách hàng được bảo mật, khách hàng và khán giả vẫn có cơ hội tương tác nhưng vẫn đảm bảo giữ được bí mật thông tin cá nhân. Nội dung buổi trò chuyện ALOVOICE khá đa dạng phụ thuộc vào các vấn đề khách hàng thường quan tâm và đề cập khéo léo và hấp dẫn kiến thức về HIV, LGBT và các chất gây nghiện. Ngoài ra, người dẫn chương trình trò chuyện với người nổi tiếng Miss Aloboy có cơ hội chia sẻ nỗi lòng và trăn trở của mình đến cộng đồng cũng như giới thiệu quảng bá các dịch vụ phòng, chống HIV mà ALOBOY đang cung cấp. Để tăng sự tiếp cận thông tin cho khách hàng không có cơ hội tham gia các buổi phát thanh trực tiếp, các buổi phát thanh của ALOVOICE được ghi lại đăng tải, chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội như Youtube và Facebook để tăng cường hiệu ứng lan tỏa các thông điệp đã truyền thông.

 

Hình 1. Đội ngũ CBO ALOBOY đang họp chuẩn bị thực hiện ALOVOICE

Kết quả cho thấy, chương trình phát thanh ALOVOICE đã được các khán giả là các nhóm đích của chương trình rất quan tâm. Thông qua tương tác hỏi đáp, khách hàng cho biết rằng đã biết bảo vệ sức khỏe và quan tâm hơn đến các dịch vụ của CBO. Một khách hàng cho biết “Tôi nhận được đồng cảm từ ALOBOY CBO cũng như từ khách hàng khác nên tự tin, bình an và hạnh phúc hơn trong cuộc sống”.

Ngoài nâng cao nhận thức cho khách hàng, chương trình phát thanh ALOVOICE còn hỗ trợ ALOBOY mở rộng phạm vi tiếp cận khách hàng, số khách hàng liên hệ xét nghiệm HIV tăng hơn sau khi chương trình phát thanh ALOVOICE đi vào hoạt động. Có thể nói chiến dịch ALOVOICE của CBO ALOBOY đã đáp ứng được mục tiêu của tổ chức đó là: nâng cao nhận thức về HIV, STIs và các chủ đề sức khỏe, cũng như góp phần giảm áp lực và mặc cảm cho khách hàng và tiếp cận rộng rãi, nhiều hơn số khách hàng có nhu cầu sử dụng dịch vụ thông qua việc nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của khách hàng.

ỨNG DỤNG KAHOOT TRONG TRUYỀN THÔNG VÀ TẬP HUẤN

Trước đây, các buổi truyền thông do các tổ chức dựa vào cộng đồng (CBO) điều phối thực hiện thường rơi vào tình trạng thông tin đi một chiều. Có nghĩa là, giảng viên cộng đồng thuyết trình kiến thức dự phòng HIV/AIDS còn khách hàng tiếp thu một cách thụ động. Trong khi nhóm khách hàng MSM – TG yêu thích công nghệ mới và luôn mang theo bên mình điện thoại thông minh và họ thường sử dụng điện thoại thông minh trong buổi truyền thông. Điều này khiến luồng thông tin bài giảng bị gián đoạn, làm giảm hiệu quả của buổi truyền thông.

Mặc dù thời gian gần đây các tổ chức cộng đồng đã được tập huấn về các kỹ năng truyền thông trực tiếp về phòng, chống HIV/AIDS nên các buổi truyền thông hoặc tập huấn đã có tính tương tác cao hơn, thu hút hơn khán giả tham gia các buổi truyền thông và tập huấn. Tuy nhiên, hiệu quả các buổi truyền thông và tập huấn này phụ thuộc khá nhiều vào kỹ năng của người điều hành, trong khi trình độ, năng lực và kỹ năng của mỗi thành viên không đồng đều, do vậy hiệu quả của một  số buổi truyền thông không đạt được như mong muốn.

Nhằm truyền tải được thông tin cơ bản các buổi truyền thông một cách hấp dẫn hơn, hiệu quả hơn, có tính tương tác cao hơn và nhất là có thể đánh giá nhanh được kiến thức và kỹ năng của người tham gia trong các buổi truyền thông và tập huấn. Trung tâm LIFE đã triển khai và hướng dẫn các CBO đang tham gia Dự án Tăng cường Kết nối cộng đồng phòng chống HIV phía Nam sử dụng ứng dụng Kahoot trong truyền thông và tập huấn.

Hình 2. Kahoot là nền tảng học tập bằng câu đố, sử dụng trong buổi truyền thông nhóm nhỏ về kiến thức dự phòng HIV/AIDS một cách trực quan sinh động.

Kahoot là nền tảng học tập bằng hình thức trắc nghiệm, người chơi có thể trả lời câu hỏi bằng điện thoại thông minh. Đây là một ứng dụng công nghệ mới, giúp tăng tương tác, nâng cao nhận thức, rất phù hợp với nhóm khách hàng nam quan hệ tình dục đồng giới và chuyển giới nữ (MSM – TGW) – những nhóm khách hàng ưa thích và hầu hết đều có điện thoại thông minh.

Việc chuẩn bị trò chơi Kahoot khá đơn giản khi các thành viên của CBO được hướng dẫn đó là: Cần bộ câu hỏi và trả lời, máy chiếu và wifi; người chơi chỉ cần có điện thoại thông minh. Các câu hỏi trắc nghiệm được cùng lúc chiếu lên màn hình máy chiếu và lên màn hình của người chơi. Các câu hỏi bám sát với nội dung trọng tâm về phòng, chống HIV/AIDS và chủ đề sức khỏe, dịch vụ mà các CBO muốn truyền tải hoặc thông qua các đánh giá trước đó về kiến thức khách hàng của CBO nhằm giúp cho khách hàng nâng cao nhận thức, từ đó cảm thấy tự tin hơn để bảo vệ sức khỏe.

Hình 3. Các câu hỏi bám sát với kiến thức dự phòng HIV/AIDS và chủ đề sức khỏe

Khi tổ chức trò chơi Kahoot, ngoài việc chiếu câu hỏi và đáp án và câu trả lời, giảng viên có thể đề nghị người tham gia giải thích câu trả lời, mời các khách hàng khác bổ sung thông tin hoặc chính giảng viên có thể bổ sung thông tin, mở rộng hơn về kiến thức nếu cần thiết cũng như chốt lại thông điệp chủ chốt của mỗi câu hỏi. Từ đó đặc biệt tăng mức độ tương tác thấu hiểu và không khí sôi động của buổi truyền thông, tập huấn cho các nhóm cộng đồng.

Do giao diện Kahoot thường kết hợp minh họa trực quan, thông tin công khai kết quả điểm và Ban tổ chức thường kèm theo phần thưởng cho các khách có điểm số cao nhất nên khách hàng MSM – TG đặc biệt phấn khởi hưởng ứng. Dựa vào kết quả trò chơi để chọn ra người thắng cuộc; cũng như làm công cụ đo lường khả năng tiếp thu của học viên, qua bảng thống kê cuối trò chơi.

Hình 4. Giao diện Kahoot minh họa trực quan các và kèm theo phần thưởng, khách hàng MSM – TG đặc biệt phấn khởi hưởng ứng, từ đó tiếp thu hiệu quả kiến thức và thông điệp của buổi truyền thông.

Với kinh nghiệm qua nhiều lần tổ chức, Kahoot mang lại nhiều thành quả đáng kể trong buổi truyền thông cũng như tập huấn dự phòng HIV/AIDS. Có tới hơn 90% khách hàng hàng nắm được kiến thức trong các buổi truyền thông, tập huấn.  Ngoài ra, các buổi truyền thông trở nên sôi nổi và nhận được nhiều phản hồi tích cực. Khách hàng thu thập được kiến thức bổ ích, giảm thiểu kỳ thị và quen thuộc với các dịch vụ phòng chống HIV do mạng lưới CBO cung cấp.

Tuy nhiên để ứng dụng này có thể được áp dụng rộng rãi các sáng kiến này, với chương trình phát thanh các CBO cần nghiên cứu kỹ các chủ đề phát thanh phù hợp với nhu cầu của khách hàng, khi tiến hành cần tăng tính tương tác. Khi ứng dụng Kahoot, Ban tổ chức cần lưu ý đảm bảo địa điểm truyền thông và tập huấn có mạng internet hoặc sóng wifi ổn định để người tham dự có thể tham gia trả lời câu hỏi suôn sẻ. Việc đầu tư thời gian cho bộ câu hỏi và đáp án cũng cần được chú ý và dành tâm huyết thích đáng để đúng trọng tâm của buổi truyền thông và tập huấn. Các câu hỏi không nên quá dàn trải mà cần tập trung vào các nội dung chính để từ đó giảng viên có thể huy động người tham gia trả lời, giải thích và mở rộng thông tin nhằm tăng tính tương tác giữa giảng viên và người tham gia. Việc sử dụng Kahoot có thể cho áp dụng cho toàn bộ buổi truyền thông, tập huấn nhưng cũng có thể giảng viên sử dụng ứng dụng này cuối buổi như đánh giá nhanh kết quả buổi truyền thông và tập huấn. Một điều cũng rất đáng lưu tâm là Ban tổ chức hay giảng viên cần chuẩn bị những phần quà nhỏ để trao cho những người có kết quả xuất sắc để tăng tính hấp dẫn và tương tác của người tham gia.

Tổ chức xã hội và các Tổ chức dựa vào cộng đồng – Sau đây gọi chung là tổ chức cộng đồng (CBO) – là tập hợp các thành viên tự nguyện, không vì mục đích lợi nhuận, xuất phát từ một cộng đồng đặc thù, hoạt động vì lợi ích của các thành viên cộng đồng đó, do cộng đồng đó làm chủ và quản lý. Các CBO có điểm mạnh là do xuất phát từ chính nhóm khách hàng đích nên hiểu tâm lý hoàn cảnh và nhu cầu của khách hàng và được khách hàng tin tưởng. Phần lớn các thành viên CBO tham gia đều có tâm nguyện tự nguyện vì lợi ích cộng đồng. Tuy nhiên các CBO cũng có nhiều điểm hạn chế như: Thường không có tư cách pháp nhân; Nhân sự thường xuyên thay đổi; Kỹ năng truyền thông vận động chính còn yếu; Kỹ năng phân tích dữ liệu chưa tốt v.v… chính vì vậy để duy trì sự tham gia bền vững của các CBO trong công tác phòng, chống HIV/AIDS nhất là trong bối cách các nguồn viện trợ quốc tế cắt giảm là thách thức rất lớn.

Để các CBO phát triển và có thể cung cấp dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS một cách bền vững hướng đến giảm phụ thuộc vào các dự án viện trợ, việc nâng cao năng lực cho các CBO luôn được các chương trình, dự án rất quan tâm. Tuy nhiên hầu hết các hoạt động nâng cao năng lực cho CBO của các dự án trong thời gian qua chỉ tập trung vào việc nâng cao kiến thức và kỹ năng cho các nhân viên của CBO trong cung cấp dịch vụ. Điều đó là cần thiết nhưng không đủ để các CBO tồn tại và phát triển bền vững khi các dự án tài trợ giảm dần hoặc kết thúc.

Nhận thức được điều đó, Dự án Tăng cường Kết nối cộng đồng phòng, chống HIV (C-Link) phía Nam do Trung tâm LIFE thực hiện dưới dự tài trợ của USAID hỗ trợ, thời gian qua đã xây dựng một Chiến lược nâng cao năng lực cho các tổ chức cộng đồng hướng tới sự phát triển bền vững. Qua quá trình thực hiện, Dự án đã thu được những thành công ban đầu.

Trong Chiến lược này, trước khi tiến hành nâng cao năng lực cho các CBO, Trung tâm LIFE đã tiến hành đánh giá về thực trạng, khả năng đóng góp, nhu cầu, định hướng pháp triển và mong muốn của các CBO v.v… Từ đó phân loại thành ba nhóm CBO, như sau:

– Nhóm CBO đang phát triển: Là các CBO hoạt động khá ổn định. Số thành viên nòng cốt của nhóm ít, thường từ dưới 4 người và họ có thế mạnh can thiệp ở một vài nhóm đích chuyên biệt. Nhóm này chưa có hoặc không có mong muốn có tư cách pháp nhân. Nhóm này chủ yếu thực hiện các dự án can thiệp dự phòng HIV (tiếp cận, truyền thông thay đổi hành vi của khách hàng; phát hiện ca nhiễm HIV mới và kết nối điều trị; thực hiện các can thiệp dự phòng HIV khác như PrEP, STIs, Methadone, can thiệp nghiện chất v.v… Nhóm này có nhu cầu cập nhật những kiến thức mới, kỹ năng để cung cấp dịch vụ HIV một cách hiệu quả cũng như cần có nguồn kinh phí duy trì hoạt động của nhóm. Với nhóm này, cần hỗ trợ để nhóm có thể tăng cường hợp tác, kết nối với đối tác; hỗ trợ cơ chế, kỹ năng hợp tác và chia sẻ lợi ích với các đối tác; củng cố thể chế và hỗ trợ pháp lý để nhóm thuận lợi khi thực hiện các hoạt động tại cộng đồng; nâng cao năng lực phát triển tổ chức, tập trung vào phân công, giao việc và quản lý công việc; truyền lửa và kích cầu để CBO nhận diện thêm các cơ hội phát triển bền vững khác.

– Nhóm CBO có nhu cầu và tiềm năng phát triển: Đây là các các CBO ổn định và đang phát triển, có nhiều hoạt động chủ động, sáng tạo, có uy tín và có thể dẫn dắt các CBO khác (Leading CBO). Nhóm này cũng bao gồm cả các CBO đã có tư cách pháp nhân nhưng chưa có chiến lược phát triển rõ ràng và lâu dài: Nhóm này thường có số thành viên chủ chốt trên 4 người, chịu được các áp lực đổi mới nhanh cũng như có khả năng thực hiện các qui định hoặc sự giám sát chặt chẽ của chương trình; các CBO này ngoài cung cấp các dịch vụ HIV tại cộng đồng thông qua các dự án của Trung tâm LIFE thì CBO cũng đã tự chủ động huy động thêm nguồn lực từ các dự án khác để duy trì bền vững các hoạt động can thiệp HIV như nhận hợp đồng xã hội, viết đề xuất dự án v.v… Nhóm này cần được cập nhật những kiến thức mới để cung cấp dịch vụ HIV hiệu quả,; phát triển truyền thông kỹ thuật số hiệu quả; xây dựng mô hình kinh doanh phát triển bền vững; xây dựng chiến lược phát triển dài hơi với đội ngũ nhân sự vững vàng; tư vấn hỗ trợ tiến trình và thủ tục để có tư cách pháp nhân v.v..

– Nhóm CBO phát triển là doanh nghiệp xã hội đã có mô hình riêng: Đây là các CBO mạnh, uy tín, đã có tư cách pháp nhân và mô hình phát triển riêng (đa số có phòng khám cộng đồng); Các CBO này cũng có đội ngũ nòng cốt ổn định, năng lực tốt, cam kết và trách nhiệm cao với chương trình phòng, chống HIV/AIDS; Ngoài cung cấp các dịch vụ HIV tại cộng đồng thông qua các dự án của Trung tâm LIFE, CBO đã tự huy động thêm ít nhất 2-3 nguồn lực từ các dự án khác và có thu nhập từ các mô hình sinh kế; có định hướng phát triển rõ ràng và lâu dài. Với nhóm này cần được cập nhật những kiến thức mới để cung cấp dịch vụ HIV hiệu quả; phát triển truyền thông quảng bá kỹ thuật số hiệu quả và phát triển bộ nhận dạng thương hiệu; kiến thức và kỹ năng quản trị doanh nghiệp; định hướng và lập kế hoạch kinh doanh hiệu quả và bền vững đóng góp cho chương trình phòng, chống HIV/AIDS.

Việc đánh giá CBO được tiến hành định kỳ (thường là hàng năm). Trung tâm LIFE đã phát triển và sử dụng bộ công cụ đánh giá rất chi tiết ở các lĩnh vực khác nhau liên quan đến năng lực của CBO như : Năng lực cung cấp dịch vụ kỹ thuật; Quản trị tài chính; Quản trị doanh nghiệp; Theo dõi giám sát; Vận động chính sách; huy động nguồn lực…. từ đó Trung tâm LIFE xây dựng kế hoạch nâng cao năng lực cho các CBO và tổ chức các khóa tập huấn nâng cao năng lực cho các CBO về các lĩnh vực khác nhau. Giảng viên các khóa tập huấn thường là các chuyên gia của các lĩnh vực có liên quan, ngoài ra Trung tâm cũng mời các thành viên nòng cốt từ CBO đã phát triển tham gia chia sẻ kinh nghiệm hoạt động và phát triển của tổ chức mình.

Với chiến lược và nỗ lực của không chỉ Trung tâm LIFE mà cả các CBO, chỉ trong giai đoạn 2015-2020, Dự án Tăng cường Kết nối cộng đồng phòng, chống HIV (C-Link) phía Nam, riêng tại thành phố Hồ Chí Minh Trung tâm LIFE đã hỗ trợ cho 17 tổ chức tự lực trở thành các CBO đang phát triển; 6 Tổ chức CBO đã trở thành các CBO có khả năng dẫn dắt các CBO khác; 10 doanh nghiệp xã hội đã được thành lập và hoạt động bền vững. Dù Dự án kết thúc, Trung tâm LIFE vẫn sẽ tiếp tục vận động nguồn lực để thực hiện Chiến lược này trong thời gian tới.

Hình 1. Hội thảo Hợp tác hướng tới phát triển bền vững

Phát biểu tại một Hội thảo nâng cao năng lực các CBO do Trung tâm LIFE tổ chức, Anh Thuận – Trưởng nhóm Aloboy chia sẻ về sự cần thiết để hỗ trợ nhau cùng phát triển “Muốn bay nhanh thì bay một mình – Còn muốn bay xa đến đich thì hãy bay cùng nhau”.  

Anh An – Thành viên Liên minh của Glink cũng chưa sẻ về việc có cơ hội để các CBO đã phát triển hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm với các CBO khác “Điều quan trọng là chúng tôi không ngần ngại chia sẻ các bài học kinh nghiệm tại G-link Việt Nam với các tổ chức xã hội khác và các đối tác”.

Hoặc Anh Thơ – Thành viên của Liên minh Vượt sóng cũng chia sẻ: “Sự hỗ trợ kỹ thuật và ủng hộ về mặt tinh thần từ phía các nhà tài trợ USAID, cụ thể thông qua các giai đoạn của dự án C-LINK do trung tâm LIFE triển khai đã giúp đỡ nhóm vượt sóng chuyển đổi thành công thành một doanh nghiệp xã hội (Liên minh hướng đến tương lai)…. đây chỉ là bước khởi đầu cho quá trình phát triển lâu dài và bền vững với các tỗ chức xã hội”.

Hình 2. Những thông điệp đầy ý nghĩa trong ngày hội thảo

Có thể nói, thành công trên, trước hết nhờ Trung tâm có định hướng chiến lược nâng cao năng lực cho các tổ chức xã hội một cách đúng đắn và dài hơi. Trong Chiến lược cũng có mục tiêu rất rõ ràng là hướng đến các tổ chức xã hội phải có năng lực toàn diện để phát triển bền vững. Khi đó các tổ chức xã hội có đủ khả năng tham gia các hợp đồng xã hội trong chương trình phòng, chống HIV/AIDS trong tương lai cũng như có thể mở rộng tham gia các lĩnh vực khác. Ngoài mục tiêu đúng, việc đánh giá năng lực, đánh giá nhu cầu, phân tích năng lực của các CBO từ đó xây dựng các khóa tập huấn khác nhau phù hợp với nhu cầu của các CBO là hết sức quan trọng. Việc mời các CBO đã phát triển chia sẻ kinh nghiệm không chỉ giúp các CBO nâng cao kiến thức mà còn tạo luồng sinh khí mới và động lực để các CBO phát triển.

Ghi dấu chặng đường 10 năm tham gia vào chương trình phòng chống HIV/AIDS, từ ngày 16/12 đến ngày 19/12, Trung tâm Nâng cao Chất lượng Cuộc sống (LIFE) tổ chức chuyến xe buýt mang đầy nhiệt huyết của thành viên các tổ chức cộng đồng (CBO) cùng với LIFE

LIFE và CBOs hé thăm Sở Y Tế, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh, Chi cục Phòng Chống Tệ Nạn Xã Hội và Phòng khám Ngoại trú.

Hành trình LIFE cùng CBO đi qua các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa Vũng Tàu và TP.HCM. Tại mỗi địa phương, chuyến xe ghé thăm Sở Y Tế, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh, Chi cục Phòng Chống Tệ Nạn Xã Hội và Phòng khám Ngoại trú. Với nhiều hoạt động gắn kết như trình bày thành tựu mà LIFE và cộng đồng đã đạt được qua 10 năm, khẳng định vai trò của cộng đồng vào việc kiểm soát và chấm dứt dịch AIDS, qua đó thúc đẩy hợp tác kết nối với chính quyền địa phương để phát triển bền vững.

Trình bày thành tựu mà LIFE và cộng đồng đã đạt được qua 10 năm, khẳng định vai trò của cộng đồng vào việc kiểm soát và chấm dứt dịch AIDS, qua đó thúc đẩy hợp tác kết nối với chính quyền địa phương để phát triển bền vững.

Trong 10 năm qua, với sự điều phối từ Trung tâm LIFE, các tổ chức cộng đồng ngày càng lớn mạnh, đoàn kết và cam kết hành động hướng đến mục tiêu chấm dứt dịch HIV/AIDS tại Việt Nam. Những thành quả đóng góp đáng kể của cộng đồng cho chương trình HIV/AIDS ngày càng được ghi nhận bởi cơ quan điều phối hoạt động phòng chống HIV/AIDS và các ban ngành địa phương, tạo nên một HUYỀN SỬ CỘNG ĐỒNG đồng hành cùng chương trình HIV/AIDS Việt Nam.

Những thành quả đóng góp đáng kể của cộng đồng cho chương trình HIV/AIDS ngày càng được ghi nhận bởi cơ quan điều phối hoạt động phòng chống HIV/AIDS và các ban ngành địa phương.

Cộng đồng đã dự phòng lây nhiễm HIV cho gần 1 triệu người, phát hiện 11.639 người nhiễm HIV mới, hỗ trợ kết nối điều trị ARV cho 10.995 người, 13.873.526 bao cao su được cấp phát cho người có nguy cơ, 15.165.747 bơm kim tiêm được cấp phát cho người tiêm chích ma túy. Dịch vụ HIV do cộng đồng cung cấp đã giúp lắp đầy khoảng trống cung cấp dịch vụ từ cơ sở y tế và thu hẹp khoảng cách trong tiếp cận dịch vụ của khách hàng.

Dịch vụ HIV do cộng đồng cung cấp đã giúp lắp đầy khoảng trống cung cấp dịch vụ từ cơ sở y tế và thu hẹp khoảng cách trong tiếp cận dịch vụ của khách hàng.

LIFE đang hỗ trợ và điều phối 34 CBO, 08 tổ chức dẫn dắt cộng đồng, 10 DNXH ở 5 tỉnh phía Nam: TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu và Khánh Hòa. Trung bình hàng năm LIFE huy động được 34 tỉ đồng cho hoạt động phòng chống HIV/AIDS, 75% số tiền được tài trợ lại cho CBO. Bên cạnh đó, LIFE đào tạo 25 giảng viên cộng đồng hỗ trợ LIFE nâng cao năng lực cho CBO cũng như nhân rộng các mô hình can thiệp HIV hiệu quả cho các tỉnh thành trong cả nước. Ngoài ra, LIFE còn hỗ trợ CBO huy động nguồn lực để phát triển tổ chức: số tiền CBO huy động ngoài dự án LIFE điều phối từ 81.382 US năm 2018 tăng đến 144.534 đô Mỹ vào năm 2019.

Hành trình 10 năm – Trung tâm LIFE và CBO đồng hành cùng Chương trình Phòng chống HIV/AIDS của Việt Nam” là cuộc hội ngộ thân tình đầy cảm xúc của các anh/chị CBO và Trung tâm LIFE, cũng như quý cơ quan và tổ chức.

Ngày 20/12 Trung tâm LIFE tổ chức Hội thảo “Hành trình 10 năm – Trung tâm LIFE và CBO đồng hành cùng Chương trình Phòng chống HIV/AIDS của Việt Nam” là cuộc hội ngộ thân tình đầy cảm xúc của các anh/chị CBO và Trung tâm LIFE, cũng như quý cơ quan và tổ chức.

Phối hợp với câu lạc bộ địa phương nhằm mở rộng mạng lưới tiếp cận ở Đồng Nai Tại tỉnh Đồng Nai, tỷ lệ lây nhiễm HIV giữa nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) tiếp tục gia tăng và ngày càng trẻ hóa về độ tuổi. Do đó, mạng lưới CBO mong muốn đáp ứng với tình hình dịch bằng cách cải tiến phương pháp truyền thông nhóm lớn và nhỏ ở các khu vực nông thôn xa xôi hẻo lánh ở tỉnh Đồng Nai, để có thể phòng chống dịch HIV/AIDS đóp góp vào mục tiêu chiến lược quốc gia kết thúc dịch vào năm 2030.

Hiện tại, mặc dù xã hội dần thay đổi cách nhìn nhận đối với chủ đề đồng tính, một số ít gia đình đã cảm thông và chấp nhận con cháu là LGBT Tuy nhiên, phần lớn cha mẹ và người nuôi dưỡng ở các khu vực nông thôn tỉnh Đồng Nai, thay vì hướng dẫn con trẻ thông tin và kinh nghiệm hữu ích về sức khỏe tình dục, lại trở thành rào cản kỳ thị trong giáo dục giới tính và dự phòng dịch bệnh.

Buổi truyền thông về dự phòng HIV/AIDS và sức khỏe tình dục

Các bạn MSM trẻ tuổi có nhu cầu khám phá các chủ đề về tình dục, bản dạng giới, tình yêu, tình bạn và các vấn đề cuộc sống thường gặp ở lứa tuổi thanh thiếu niên. Hiểu được điều đó, CBOs ở Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, là Xuân Hợp, Gnet Biên Hòa, Niềm Tin Xanh và 2 mạng lưới CBO mở rộng từ TP HCM là ALOBOY và Gia Tộc Rồng chủ động tìm kiếm MSM trẻ tuổi khó tiếp cận nhờ hợp tác với Câu lạc bộ Kỹ Năng Sống ở Biên Hòa. Đội ngũ thành viên của CBO đa phần cũng là MSM; do đó, họ dễ dàng tiếp cận các bạn MSM trẻ tuổi. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn vì những định kiến và e ngại từ trường trung học.

Nhóm MSM trẻ hóa tham gia buổi truyền thông nhóm nhỏ

Câu lạc bộ Kỹ Năng Sống hỗ trợ tổ chức hoạt động nhằm phát triển kỹ năng sống cho học sinh trung học. Nhờ đó, CBO chia sẻ thông tin phòng, chống HIV/AIDS, sức khỏe tình dục, nâng cao nhận thức, giảm thiểu kỳ thị bên cạnh những chủ đề thường kỳ của CLB về kỹ năng sống. Trong các các hoạt động truyền thông nhóm nhỏ và nhóm lớn như vậy, tiếp cận viên của CBO có thể kết nối trực tiếp đến MSM trẻ tuổi và tiến hành tư vấn xét nghiệm tại cộng đồng.

CLB Kỹ Năng Sống trình diễn tiết mục nhảy trong buổi truyền thông của CBO

Trong năm tài chính USAID 2018 ( từ tháng 10/2018 đến tháng 09/2019) ở Đồng Nai, Trung tâm LIFE và CBO đã tiếp cận khoảng 500 người thông qua năm sự kiện truyền thông lớn và hơn 1.000 người thông qua 40 buổi truyền thông nhóm nhỏ trong năm tài chính 2018. Hầu hết các sự kiện này cũng được chia sẻ trên trang Fanpage Facebook của CBO và Facebook của các thành viên CBO, đạt hơn 10.000 lượt xem, giúp thúc đẩy hiệu quả các dịch vụ xét nghiệm HIV của CBO. Từ đó, mở rộng mạng lưới tiếp cận hỗ trợ hiệu quả các nhóm MSM trẻ tuổi trong môi trường sống thực tế và cả nền tảng mạng Internet.

Nhóm MSM trẻ tuổi tham gia hoạt động ở buổi truyền thông

“Em thực sự thích thú với chương trình. Lúc đầu em ngại không muốn tham gia sự kiện, nhưng các anh chị CBO đã dạy em tự bảo vệ khỏi HIV và những hành vi nguy cơ khác. Và khi ai đó yêu cầu em quan hệ không dùng bao cao su em lại nhớ như in lời anh chị nói. – Một học sinh cấp ba –

“Em đang học lớp 7. Tham gia vào câu lạc bộ giúp em nhận ra sự nguy hiểm của các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Bây giờ em muốn sống hạnh phúc và thành công trong cuộc sống nên em tập trung vào việc học và tránh xa những người bạn xấu. – Học sinh cấp 2 –

“Chúng tôi rất vui vì con tôi được động viên và hướng dẫn. Cháu bây giờ đã tự tin và cởi mở hơn. Điểm số ở trường cũng được cải thiện. Chúng tôi vô cùng biết ơn các anh chị. – Phụ huynh học sinh –

Hội thảo Tăng Cường Vai Trò của Cộng Đồng trong phòng, chống HIV/AIDS phía Nam được Bộ Y tế, Dự án Quỹ Toàn Cầu phòng, chống HIV/AIDS và PEPFAR tại Việt Nam phối hợp tổ chức ngày 22/11/2019. Hội thảo có sự tham gia của Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC), Trung tâm phòng chống HIV/AIDS, các đơn vị, dự án, các tổ chức cộng đồng và doanh nghiệp xã hội.

Tham dự gồm có: TS Kimberly Green, Giám đốc Toàn cầu, HIV & TB – PATH; Marie-Odile Emond, Giám đốc UNAIDS Việt Nam; và ThS Nguyễn Nguyên Như Trang, Giám đốc Trung tâm LIFE.

Tiến sĩ Bác sĩ Hoàng Đình Cảnh, Phó Cục Trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS, cho biết “Kể từ khi Việt Nam cam kết thực hiện mục tiêu 90-90 -90 của Liên Hợp Quốc năm 2014, cộng đồng đã đóng góp từ 25 đến 50% vào công tác phòng, chống HIV/AIDS của quốc gia”. Ông Mark P. Troger – Giám đốc điều phối PEPFAR đánh giá cao những nỗ lực không ngừng nghỉ của cộng đồng trong sàng lọc HIV và phát hiện ra nhiều ca HIV dương tính mới để hỗ trợ kết nối điều trị.

Tiến sĩ Bác sĩ Hoàng Đình Cảnh, Phó Cục Trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS và ông Mark P. Troger – Giám đốc điều phối PEPFAR đánh giá cao những nỗ lực không ngừng nghỉ của cộng đồng.

Hoạt động các tổ chức cộng đồng cung cấp là tiếp cận và tư vấn người có nguy cơ nhiễm HIV, xét nghiệm sàng lọc HIV, kết nối điều trị ARV, chuyển gửi khách hàng vào điều trị Methadone, bệnh lây qua đường tình dục, chuyển gửi khách hàng có nhu cầu uống PrEP, phân phát vật phẩm y tế, truy dấu bạn tình, bạn chích của người có HIV.

Hội thảo cũng là cơ hội để các tổ chức cộng đồng học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau.

Tại hội thảo Trung tâm LIFE cùng các tổ chức cộng đồng trình bày “Huyền Sử Cộng Đồng” – Hành trình phòng chống HIV/AIDS. Từ khi xuất hiện, các tổ chức dựa vào cộng đồng đã thay đổi và phát triển mạnh mẽ, chứng tỏ vai trò quan trọng trong việc đẩy lùi dịch HIV/AIDS. Hội thảo cũng là cơ hội để các tổ chức cộng đồng học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau.

Các cá nhân và tổ chức cộng đồng được vinh danh vì những đóng góp tích cực cho chương trình phòng, chống HIV/AIDS.

Các cá nhân và tổ chức cộng đồng được vinh danh vì những đóng góp tích cực cho chương trình phòng, chống HIV/AIDS. Trung tâm LIFE hân hạnh đồng hành cùng các tổ chức cộng đồng trên hành trình tiến tới kết thúc dịch HIV/AIDS.